Tháo gỡ vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

08:27 - Thứ Sáu, 08/11/2024 Lượt xem: 2608 In bài viết

ĐBP - Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, cơ bản đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS đã từng bước được nâng lên, song còn không ít hộ dân vẫn còn nhiều thiếu thốn. Quá trình triển khai thực hiện đã cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Triển khai Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Mường Nhé còn nhiều khó khăn, trong đó có Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Mường Toong số 1, xã Mường Toong.

Tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, việc rà soát các hộ thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất còn gặp khó khăn do nhiều hộ gia đình không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cho, tặng không có văn bản làm căn cứ pháp lý. Mặt khác, qua rà soát cho thấy số đối tượng thụ hưởng rất ít, vì vậy khó giải ngân nguồn vốn của nội dung này. Do đó, năm 2022 xã Mường Toong đã chuyển đổi dự án sang hỗ trợ chuyển đổi nghề với kinh phí được phân bổ 170 triệu đồng.

Không chỉ Mường Toong mà nhiều xã khác trong diện thụ hưởng đều khó khăn trong việc rà soát các hộ dân được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất. Tại địa bàn vùng thấp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các xã vùng cao song việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng gặp khó khăn không kém. Đơn cử như xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên khi thực hiện tiểu dự án 2, dự án 3 được phân bổ trong 2 năm (2022 - 2023) là 456 triệu đồng. Xã đã triển khai dự án nuôi bò sinh sản tại cộng đồng bản Giảng - Co Ké với 7 hộ tham gia (2 con/hộ).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Qua 3 lần xã tổ chức cho hộ dân trực tiếp đi chọn bò giống tại các đơn vị cung ứng đều không đáp ứng tiêu chuẩn đề ra do bò gầy và yếu. Do vậy, cộng đồng bản Giảng - Co Ké đã đề nghị UBND xã không thực hiện dự án và đề xuất chuyển đổi nguồn vốn sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện. Hiện nay, theo quy định việc cung ứng sử dụng nguồn giống tại địa phương phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý giống, vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở, đơn vị cung ứng giống gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc lớn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, theo đánh giá của UBND tỉnh, tiến độ các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh còn chậm. Một số nội dung thuộc dự án không thực hiện theo kế hoạch, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Mặc dù về cơ bản đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS đã từng bước được nâng lên, tuy nhiên còn nhiều hộ dân ở thôn, bản đặc biệt khó khăn còn rất thiếu thốn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến thực hiện các nội dung, dự án chưa hiệu quả là việc phân cấp, phân quyền, triển khai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các công trình, dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là có dự án liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, theo quy định thuộc thẩm quyền cho phép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên thường mất nhiều thời gian để thực hiện, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân nguồn vốn. Ngoài ra, việc phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị với các địa phương trong tỉnh còn hạn chế; công tác tham mưu thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, rà soát nhu cầu, lập kế hoạch... chưa sát với thực tế, dẫn đến phân bổ thừa vốn.

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình MTQG nói chung, trong đó có Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh ta đã thành lập các đoàn giám sát liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện; đôn đốc tiến độ tại các địa phương. Định kỳ tổ chức họp để đánh giá kết quả và đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan ở Trung ương có giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đặc thù địa phương. Chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện chương trình MTQG theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thực hiện cho từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nêu cao hơn nữa trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan chủ trì các cấp; làm tốt việc huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư; quyết liệt thực hiện giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top