Vùng nhãn công nghệ cao ở Yên Châu

23:21 - Chủ Nhật, 10/11/2024 Lượt xem: 1466 In bài viết

Ngày 25/10/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành quyết định công nhận vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao cho HTX Phương Nam, tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu. Đây là HTX đầu tiên được công nhận và là đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện Yên Châu.

Vùng nhãn chín muộn ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.

HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng thành lập năm 2016, với ngành nghề chính là trồng cây ăn quả, chăn nuôi theo hướng VietGAP; trong đó, nhãn là cây trồng chủ lực được HTX quan tâm, phát triển. Từ 80 ha nhãn ban đầu, đến nay, HTX liên kết với 23 hộ gia đình trong vùng mở rộng diện tích trồng nhãn lên 303 ha, trở thành vùng trồng nhãn chuyên canh lớn của huyện Yên Châu.

Đoàn công tác của UBND tỉnh khảo sát diện tích nhãn tại HTX Phương Nam. 

Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam chia sẻ: Giống nhãn được HTX đưa vào trồng là nhãn chín muộn với 2 dòng là PHM 1.1 và T6, trong đó giống PHM 1.1 được đánh giá chất lượng và có giá bán cao vượt trội. Sản lượng quả nhãn bình quân của HTX đạt trên 4.200 tấn/năm, năng suất 14 tấn/ha, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg. Thu nhập của các hộ trồng nhãn đạt 210 triệu đồng/ha. 

Diện tích nhãn chất lượng cao của HTX Phương Nam.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Phương Nam đã chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên và các hộ liên kết áp dụng vào thực tế sản xuất nhãn chín muộn, như: Khoanh gốc, tiện cành để hãm sự phát triển của cây, lùi thời gian ra hoa, đậu quả; thường xuyên theo dõi lộc, lá của cây, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bên cạnh đó, HTX tăng cường áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, côn trùng thiên địch bảo vệ cây trồng, vừa giữ cây bền, khỏe, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. Đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, HTX đầu tư xây dựng trong vùng sản xuất 6 bể chứa thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; định kỳ hằng năm, bàn giao đơn vị chuyên môn của xã, huyện chuyển đi xử lý theo đúng quy định.

Thành viên HTX Phương Nam lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho nhãn.

Hiện nay, HTX Phương Nam có 35 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 65 ha được cấp mã số vùng trồng. Toàn bộ diện tích nhãn trong vùng sản xuất của HTX được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sản phẩm nhãn của HTX đã xây dựng được thương hiệu, ngoài thị trường nội tỉnh, quả nhãn của HTX góp mặt tại các siêu thị lớn ở các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Đặc biệt, năm 2018, có 1,5 tấn nhãn của HTX được kiểm định chất lượng, xuất khẩu sang Mỹ; liên tục nhiều năm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2022, hơn 2 tấn nhãn chín muộn của HTX được Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam thu mua, đưa vào suất ăn tại các chuyến bay... Qua đó, khẳng định chất lượng sản phẩm nhãn của HTX.

Các điểm thu gom thuốc bảo vệ thực vật tại xã Lóng Phiêng.

Giảm nhân lực trong sản xuất, HTX còn vận động các thành viên áp dụng công nghệ tưới ẩm cho 30 ha nhãn, gắn camera giám sát phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, bảo đảm xuất khẩu sản phẩm cho gần 20 ha nhãn. Bước đầu, HTX sử dụng flycam để phun thuốc cho cây nhãn; ứng dụng phần mềm dự báo thời tiết, sử dụng điện thoại thông minh giám sát hệ thống nước tưới trong quá trình chăm sóc.

HTX Phương Nam sử dụng flycam phun thuốc cho diện tích nhãn.

Là thành viên của HTX Phương Nam từ những ngày đầu mới thành lập, anh Nguyễn Văn Hừa, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng cho biết: Gia đình trồng 17 ha nhãn ghép. Trước đây, việc trồng và chăm sóc nhãn theo phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao. Tham gia HTX, được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch quả theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ tưới tự động, phun thuốc bằng flycam, sử dụng camera quan sát quá trình sinh trưởng cây trồng... giúp tiết kiệm chi phí, nhân công trong sản xuất. Nhờ vậy, sản lượng, chất lượng và giá bán sản phẩm ổn định hơn. Mỗi năm, gia đình thu 150 tấn quả, giá bán từ 15.000-17.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 2 tỷ đồng.

Nhãn được đóng gói đi tiêu thụ.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật, doanh thu hằng năm của HTX Phương Nam tăng lên, đến nay, đạt trên 40 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ trồng nhãn trên 30 tỷ đồng. Đặc biệt tháng 10 vừa qua, toàn bộ vùng sản xuất nhãn của HTX đã được UBND tỉnh công nhận là vùng ứng dụng công nghệ cao. Đây là động lực để HTX tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 12/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu”, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Châu có những bước phát triển tích cực; hình thành được nhiều vùng sản xuất cây ăn quả an toàn, ứng dụng công nghệ cao, từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm, cho giá trị kinh tế cao. Nổi bật vừa qua, HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, được UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện để huyện Yên Châu nói chung và HTX Phương Nam nói riêng tiếp tục xây dựng vùng sản xuất nhãn tập trung, chất lượng cao. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất bền vững; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; khẳng định thương hiệu và đưa sản phẩm nhãn của huyện Yên Châu bay xa.

Sau việc được công nhận vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, địa phương trên địa bàn xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất xoài và mận hậu, góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị nông sản đặc trưng của địa phương.

Thanh Huyền
Bình luận
Back To Top