Bài II: Những công trình tuổi thanh xuân
ĐBP - Không lâu sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một lần nữa, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) các tỉnh miền xuôi lại được Trung ương Đảng và Chính phủ vận động tình nguyện lên Điện Biên. Nhiệm vụ lần này không còn là vận chuyển gạo, thực phẩm hay tải đạn mà là chung sức cùng đồng bào các dân tộc bản địa dựng xây, tái thiết Điện Biên sau chiến tranh. Từ đó, nhiều công trình được xây dựng gắn liền với thanh xuân, lòng nhiệt huyết tuổi trẻ, giúp “diệt giặc đói, giặc dốt”, đưa Điện Biên bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Mở đường lên Điện Biên
Sau chiến thắng lịch sử năm 1954, Điện Biên chịu thiệt hại nặng nề bởi chiến tranh. Nhà cửa, làng bản, hạ tầng bị tàn phá, nhất là công trình giao thông. Các tuyến giao thông huyết mạch nối Điện Biên với các tỉnh miền xuôi đều bị bom đạn cày xới tan hoang, các phương tiện không thể lưu thông đưa dầu hỏa, gạo, muối… đến với đồng bào các dân tộc Điện Biên. Chính vì vậy, sửa chữa, mở rộng và nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch là nhiệm vụ cấp bách. Tuyến giao thông huyết mạch Tuần Giáo – Điện Biên Phủ là tuyến đường được ưu tiên sửa chữa trước tiên.
Sau giải phóng, Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp (hiện sinh sống tại tổ 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) được giao trọng trách về các tỉnh miền xuôi tuyển TNXP lên mở đường. Ông đi tuyển quân khắp các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây, Thanh Hóa, Nam Định.
Ông Chấp nhớ lại: “Khi tuyển quân, tôi luôn thẳng thắn thông báo lên Điện Biên rất khó khăn, đồng chí nào xác định chịu được khổ cực, vất vả thì đi. Những tưởng ít người đăng ký thế nhưng đến đâu cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những thanh niên tuổi 19 - 20. Thanh niên sôi nổi đăng ký, có người còn trốn gia đình để lên Tây Bắc xa xôi!”.
Với khí thế ấy, hàng trăm thanh niên chia thành nhiều tốp tình nguyện rời xa quê hương để lên vùng đất Tây Bắc hiểm trở, tham gia mở đường.
Đầu năm 1960, chàng thanh niên Lê Thanh Bình, 21 tuổi, đang là giáo viên dạy trẻ ở xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên, với sự nhiệt huyết tuổi trẻ, chàng trai trẻ đã đăng kí tình nguyện lên Điện Biên mở đường.
Ông Bình nhớ lại: “Hồi đấy khí thế hừng hực, thanh niên trong làng, xã rủ nhau đăng ký đi Điện Biên. Tốp thanh niên đi trước viết thư gửi về tạo động lực cho tốp thanh niên ở nhà khăn gói lên đường”.
Cả tuyến đường Tuần Giáo – Điện Biên được gọi chung tên là Công trường 426, TNXP chia làm nhiều đội, nhận nhiệm vụ từng đoạn khác nhau. Các đội tự làm lán sát mặt đường hoặc ở nhờ nhà dân gần đấy. Hàng ngày ăn cơm nếp độn sắn, ngô là chủ yếu. Đường cũ bị bom đạn cày xới, chỉ vừa 1 chiếc xe đi, 2 vệt bánh xe lún sâu mặt đường, còn giữa đường gồ cao, cỏ mọc xanh tốt. Công việc của TNXP là san lấp mặt đường, mở rộng, hạ dốc, mở cua con đường từ 2,5 – 3m thành 5 – 6,5m.
Ông Lê Thanh Bình kể lại: “Mở đường hoàn toàn bằng xà beng, cuốc, xẻng cạy đất đá ở tà luy dương, chở bằng xe cải tiến bánh gỗ, thùng đựng đất đá đan bằng tre nứa đổ xuống tà luy âm. Nhiều đoạn đường vướng vách đá cao, dụng cụ thô sơ không thể xử lý, để mở rộng đường, chúng tôi đặt mìn phá đá, sau đó lấy đá ghép mặt đường bằng phẳng cho xe đi. Cầm xà beng, cuốc, xẻng nhiều, lòng bàn tay ai cũng chai sạn, sưng lên, tứa máu”.
Hơn 5.400 thanh niên tham gia mở hơn 70km đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên trong 5 năm (1959 – 1963). Hoàn thành tuyến đường đó, đã có gần 20 người hy sinh. Hiện nay, tuyến đường huyết mạch này đã được đầu tư kiên cố, êm thuận để những chuyến xe chở hàng hóa, du khách đến thăm chiến trường xưa; đưa nông sản Điện Biên xuất đi ngoại tỉnh, đóng vai trò quan trọng để tỉnh nhà phát triển, tiến kịp với miền xuôi.
Phát triển kinh tế
Sau giải phóng Điện Biên, cao điểm giai đoạn 1959 - 1963, với khẩu hiệu “Lấy Tây Bắc làm quê hương”, lực lượng TNXP tình nguyện lên Điện Biên tham gia xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, nông trường Điện Biên... Điện Biên Phủ bước vào “trận chiến” mới, đó là cải tạo, khôi phục sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Tháng 10/1963, hơn 2.000 TNXP, gồm hơn 800 đội viên thanh niên “Tháng 8 thủ đô” và thanh niên các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa… đã cùng đổ mồ hôi, xương máu và trí tuệ để xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm dẫn nước tưới mát thung lũng Mường Thanh, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Năm 1963, thanh niên Trần Công Chính, 18 tuổi, quê ở tỉnh Hưng Yên đã viết đơn tình nguyện lên Điện Biên Phủ xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.
“Quá trình xây dựng công trình gặp vô vàn khó khăn, vất vả, nhất là xây dựng đập chính ngăn dòng sông Nậm Rốm. Dù vậy, lực lượng TNXP đã quyết tâm thực hiện khẩu hiệu "ba bù" (bù mưa, bù ốm, bù phòng không) để tăng ca, đẩy giờ làm việc lên từ 10 - 12 giờ lao động/ngày. Để làm đập chính, thời điểm nhiều nhất có tới hơn 500 TNXP. Sau gần 3 năm mới xong cái đập chính!" - ông Chính bồi hồi nhớ lại.
Gần 7 năm ròng rã, đến năm 1969, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của TNXP và đồng bào các dân tộc Điện Biên. Công trình là kết tinh của sức trẻ, lòng nhiệt huyết, quyết tâm, tinh thần quả cảm và hăng say lao động. Song cũng có những mất mát, hy sinh. Trong 7 năm xây dựng, đã có 18 anh chị em TNXP hy sinh, mãi mãi nằm lại mảnh đất ĐIện Biên Phủ.
Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm cung cấp đủ nước cho toàn bộ thung lũng Mường Thanh. Bộ đội, TNXP cùng nhân dân địa phương bắt tay “biến chiến trường thành nông trường”, cùng nhau xây dựng Điện Biên. Lần lượt nhiều nông trường quốc doanh được xây dựng tại Tuần Giáo, Mường Ảng và Điện Biên. Nhiệm vụ chính là cải tạo chiến trường, tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, kiến thiết Điện Biên.
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đơn vị của ông Trần Văn Đáp được lệnh chuyển về Thanh Hóa nhận nhiệm vụ mới. Đến năm 1958, đơn vị ông nhận nhiệm vụ trở lại Điện Biên để xây dựng, thành lập Nông trường Quốc doanh Điện Biên và đóng quân tại Hồng Cúm.
Ông Đáp nhớ lại: “Sau giải phóng, toàn bộ khu vực này chỉ là bãi đất hoang, đâu đâu cũng là tàn tích chiến tranh. Sau khi nông trường thành lập, bộ đội, TNXP tập trung tháo gỡ bom mìn, dây thép gai; hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng lúa, trồng ngô, mía và các loại hoa màu. Có công trình thủy lợi cung cấp nước, diện tích sản xuất ngày càng mở rộng, năng suất, sản lượng nông sản ngày một tăng”.
Sau 70 năm xây dựng và phát triển, cứ điểm Hồng Cúm năm xưa nay trở thành một phần của cánh đồng lúa chất lượng cao Mường Thanh rộng hơn 6.000ha. Năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm lúa gạo ngày càng cao; các thôn bản xung quanh đều đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát huy truyền thống anh hùng
Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, tuổi trẻ tỉnh Điện Biên luôn có trong mình khát vọng, ý chí vươn lên. Thanh niên Điện Biên luôn có mặt tại những nơi khó khăn, gian khổ, xung kích hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó.
Thực hiện đường lối đổi mới, cùng với tuổi trẻ cả nước, thanh niên Điện Biên luôn xung kích đi đầu trong mọi hoạt động với nhiều công trình có hiệu quả. Năm 2023, thanh niên tỉnh Điện Biên đã thực hiện được 281 công trình, thu hút 80.164 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt đồng tình nguyện. Điển hình như hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới xây dựng 5 cây cầu nông thôn, 8 công trình nhà vệ sinh, 22 bể đốt rác thải; thắp sáng 13,7km đường nông thôn, trồng 320.000 cây xanh….
Đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, đoàn viên thanh niên các cấp đã hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cài đặt, sử dụng các nền tảng số như: Ứng dụng “Điện Biên Smart”; App Địa chỉ số, Chữ ký số VNPT SmartCA, ứng dụng Bảo hiểm xã hội VssID, ứng dụng thuế eTax Mobile; hướng dẫn người dân thanh toán điện tử, sử dụng các ứng dụng ngân hàng… Thực hiện số hoá các địa điểm di tích lịch sử, triển khai 11 công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá Du lịch - Di sản văn hoá” tạo mã QR đặt tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, di tích Đồi A1, di tích hầm De Castries; di tích đồi D1 và Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; di tích Đồi E và Trung tâm văn hóa Cựu chiến binh; di tích Trung tâm đề kháng Him Lam.
Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên cho biết: Tỉnh Điện Biên đang hội nhập và phát triển, đã và đang đặt ra những yêu cầu, trọng trách lớn lao đối với thanh niên tỉnh nhà. Để kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang và truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, mỗi thanh niên tỉnh Điện Biên luôn ra sức học tập, trau dồi lý tưởng, thi đua lao động để hình thành một thế hệ thanh niên tân tiến, xây dựng Điện Biên ngày một giàu mạnh.