Kinh tếNông thôn mới

Vấn đề kỳ này

Vai trò cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới

09:34 - Thứ Năm, 07/09/2023 Lượt xem: 6866 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm đổi thay diện mạo khu vực nông thôn tại nhiều xã, bản trong toàn tỉnh. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, có sự đổi thay với hạ tầng điện, đường, trường, trạm khang trang; tỷ lệ đói nghèo giảm dần. Quan trọng hơn, việc triển khai thực hiện xây dựng NTM đã tăng cường sự tin tưởng, đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân tham gia góp công, góp sức làm đường, xây dựng nhà văn hóa, tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch… Có nhiều cách làm trong triển khai xây dựng NTM song tựu chung đều khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự linh hoạt điều hành của chính quyền và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong huy động các nguồn lực, sức dân thực hiện tiêu chí NTM.

Tuyến đường nông thôn mới xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa.

“Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau” là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đảng viên trong xây dựng và phát triển đất nước. Xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị song vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên chính là động lực để người dân tin tưởng, đồng thuận và hưởng ứng, tham gia góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí NTM. Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế địa phương, cấp ủy, chính quyền các huyện, xã và thôn, bản trong toàn tỉnh đã chỉ đạo, linh hoạt nhiều hình thức huy động sức dân hoàn thành tiêu chí NTM và NTM nâng cao. Ðến tháng 6/2023 toàn tỉnh có 21/115 xã đạt chuẩn NTM; 122 thôn, bản đạt NTM và NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 36,57%. Kết cấu hạ tầng ở nhiều xã, thôn, bản vùng nông thôn được đầu tư; các thiết chế văn hóa được xây dựng, duy trì; đặc biệt nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, bản được bê tông hóa, trồng hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều cải thiện theo hướng ngày càng tốt hơn. Các cấp ủy ở các địa phương đã phát huy vai trò lãnh đạo, bám sát mục tiêu, tiêu chí NTM để có giải pháp, cách thức điều hành xây dựng NTM linh hoạt, phù hợp.

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc với mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quán triệt tinh thần đó tới nhân dân, huy động sự đồng tình, ủng hộ của người dân bằng hành động, việc làm thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Với quan điểm “tiêu chí dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau”, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện tiêu chí NTM. Nhiều huyện, xã tổ chức, phát động các phong trào thi đua huy động sự hưởng ứng tham gia của nhân dân các dân tộc, góp sức hoàn thiện các tiêu chí NTM, đặc biệt là các tiêu chí cần sự đồng lòng của cộng đồng. Tranh thủ và huy động nguồn lực tổng hợp, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng NTM. Các địa phương huy động sức dân với tinh thần công khai, dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” trong thực hiện các công trình, phần việc NTM. Cách làm đó càng tạo thêm sự tin tưởng của người dân, thúc đẩy mục tiêu về đích NTM của mỗi địa phương.

Thực tiễn hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã cho thấy vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên có tầm quan trọng đặc biệt, là yếu tố quyết định sự thành công, thất bại của Chương trình. Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về “phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025” xác định mục tiêu phấn đấu có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM, ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống dưới 22%... Từ thực tiễn xây dựng NTM hơn 10 năm qua, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn 4 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM, gồm: Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Tủa Chùa; việc duy trì kết quả sau đạt chuẩn NTM ở một số xã còn hạn chế; hạ tầng ở nhiều xã xuống cấp, chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Ðể đạt được mục tiêu Nghị quyết 09 đề ra là thách thức không nhỏ với cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt với các địa phương còn nợ một vài tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.

Ðể xây dựng NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí ngoài đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất khu vực nông thôn, nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao chất lượng đời sống người dân. Do vậy, ngoài đầu tư hạ tầng, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở cần xác định rõ vai trò chủ thể của người dân, Nhà nước hỗ trợ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng NTM. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau song hơn hết cần phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự linh hoạt điều hành của chính quyền và sự tham gia có trách nhiệm của mỗi người dân.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top