ĐBP - Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, qua đó tham gia giám sát hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
Luật Tiếp cận thông tin ra đời dựa trên nền tảng của 2 bản Hiến pháp (Điều 69, Hiến pháp năm 1992 và Điều 25, Hiến pháp năm 2013) quy định về quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Luật Tiếp cận thông tin quy định cụ thể 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên phải công khai rộng rãi, trong đó có nhiều thông tin quan trọng như: Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin thông qua nhiều hình thức như đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đăng công báo, phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở cơ quan... Mặt khác, người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin (không thuộc phạm vi bí mật) qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax... Khi người dân được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, chính xác sẽ là cơ sở pháp lý giúp người dân tham gia phản biện xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tại cơ sở, khi có vướng mắc, nhất là vướng mắc trong việc tìm hiểu thông tin thì UBND cấp xã, phường là nơi người dân tìm đến đầu tiên để đề xuất, kiến nghị và liên hệ giải quyết. Đây là cấp chính quyền gần dân nhất, vì vậy việc ban hành quy chế cung cấp thông tin; phân công đầu mối; cập nhật danh mục được tiếp cận trong UBND cấp xã, phường là rất cần thiết. Trong những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho Nhân dân; cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục hành chính và nhiều thông tin không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà người dân chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin cần thiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; việc thực hiện quyền được thông tin và các chính sách, pháp luật về quyền được thông tin của công dân còn những vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương người dân phải biết nhưng thực tế thời gian qua tại nhiều địa bàn người dân ít được tiếp cận và nếu muốn tiếp cận thì cũng không biết hỏi cơ quan nào. Vì thế, đây là lĩnh vực thường hay xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Ông Nguyễn Văn Thiện, tổ trưởng dân phố 5, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) bày tỏ: “Tôi cho rằng, khi được Nhà nước cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, nhất là các thông tin liên quan đến quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng... sẽ giúp người dân hiểu rõ vấn đề, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo. Qua đó công dân cũng sẽ góp phần tích cực hơn trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.”
Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để Luật Tiếp cận thông tin thực sự đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp đã ban hành bộ tài liệu “Hướng dẫn thực hiện Luật Tiếp cận thông tin dành cho cán bộ cấp cơ sở”. Đây là bộ tài liệu hết sức cần thiết, đề cập đến những vấn đề chung, nguyên tắc thực hiện, quy trình thực hiện cung cấp thông tin; hướng dẫn tổ chức thực hiện cung cấp thông tin; các hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt Luật Tiếp cận thông tin tại cơ sở. Tài liệu cũng quy định rõ vị trí, vai trò, chức năng đối với từng cấp xã, thôn, bản trong việc tổ chức thực hiện cung cấp thông tin; trình tự yêu cầu cung cấp thông tin theo mẫu. Hiện nay bộ tài liệu này đã thực hiện thí điểm tại 8 xã thuộc 3 huyện: Mường Chà, Tuần Giáo và Điện Biên. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh.