Lần theo dấu vết tội phạm

Sập “bẫy lừa” bằng thủ đoạn giả danh “thầy phong thủy”, “thầy giải bùa”

09:17 - Thứ Ba, 28/11/2023 Lượt xem: 5441 In bài viết

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế bị sập bẫy lừa qua mạng hoặc trực tiếp với số tiền lớn, có vụ lên đến hàng tỷ đồng do tin vào thầy “thầy phong thủy”, “thầy giải bùa”… Trong số các bị hại, có nhiều bị hại là nữ. Sự mù quáng của các bị hại chính là một trong những kẻ hở để cho đối tượng liên tiếp thực hiện hành vi lừa đảo từ lần này đến lần khác.

Nhiều người dân miền núi bị “sập bẫy”

Công an huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế) tiếp nhận trình báo của chị N. (trú thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) về việc bị các đối tượng lừa đảo khoảng 200 triệu đồng để cúng giải bùa nhưng không thực hiện. Trước đó, thông qua việc xem bói trên mạng, N quen biết với một phụ nữ có tài khoản Faecbook “Bi Nguyễn”.

Lúc này, N. cho “Bi Nguyễn” biết về việc trục trặc trong chuyện tình duyên và có nhu cầu xem bói. “Bi Nguyễn” nói rằng, N đang bị người âm theo nên phải cúng để hóa giải “cắt vong” thì chuyên tình duyên mới thuận. Vì vậy, N. nhờ “Bi Nguyễn” cúng giúp mình. N chuyển một khoản tiền vào số tài khoản “Bi Nguyễn” cung cấp để nhờ mua lễ vật cúng bái giúp mình. Ít lâu sau, chuyện tình duyên giữa N với bạn trai được hàn gắn.

Đối tượng Võ Hoài Nhơn khai báo tại cơ quan điều tra.

Thế nhưng không được bao lâu thì chuyện tình duyên của N. lại rạn nứt nên N. lại nhờ “Bi Nguyễn” tìm cách hóa giải. Nắm bắt được tâm lý của N., “Bi Nguyễn” nói rằng, sẽ giới thiệu cho “thầy Thịnh” chuyên giải bùa và N. đồng ý. Sau khi liên lạc, N. nghe “thầy Thịnh” phán rằng, nếu N không lo làm lễ cúng thì chuyện tình duyên sẽ còn trục trặc khiến cô gái trẻ càng hoang mang. Lúc này, “thầy Thịnh” yêu cầu N. chuyển tiền để mua lễ vật cúng, lập bàn thờ để “hóa giải tình duyên”. Tổng số tiền N. chuyển cho “thầy Thịnh” là khoảng 200 triệu đồng (mỗi lần chuyển khoảng 35 triệu đồng).

Dù sau khi được “thầy Thịnh” cúng bái, N. vẫn thấy chuyện tình duyên của mình tiếp tục gặp “sóng gió”. Lúc đó, N. nghi ngờ và tìm hiểu thì mới tá hỏa không hề có chuyện “thầy Thịnh” giải bùa cho mình nên đã trình báo Công an. Điều khiến nhiều người bất ngờ là N. đang làm việc tại 1 cơ quan Nhà nước nhưng đã quá “nhẹ dạ cả tin”, tạo kẽ hở cho đối tượng liên tiếp lừa đảo.

Qua thu thập các tài liệu, chứng cứ, Công an huyện Nam Đông đã xác lập chuyên án đấu tranh tội phạm lừa đảo trên mạng internet. Sau một thời gian điều tra, giữa tháng 11/2023, Công an huyện Nam Đông đã bắt giữ Võ Hoài Nhơn (SN 1995, trú huyện An Nhơn, Bình Đình) và Nguyễn Thị Hương (SN 1996, trú huyện Di Linh, Lâm Đồng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan Công an, tài khoản Facebook “Bi Nguyễn” chính là của Nguyễn Thị Hương. Trước đó, Hương lên mạng Internet để vào các nhóm xem bói với mục đích xem bói cho người khác nhận tiền. Thời gian này, Hương chung sống với Nhơn tại 1 phòng trọ ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Khi nghe chị N. tâm sự về chuyện trắc trở tình duyên, Hương và Nhơn nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của N. nên Hương nói rằng sẽ giới thiệu “thầy Thịnh” (chính là Võ Hoài Nhơn) chuyên giải bùa cho N.. Sau đó, Hương và Nhơn thay nhau nhắn tin giả vờ “thầy Thịnh” yêu cầu N nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản để làm các lễ cúng, giải bùa…

Hiện, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Hoài Nhơn và Nguyễn Thị Hương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Công an huyện miền núi Nam Đông cũng từng vạch mạch một sư thầy… rởm, đó là Nguyễn Hữu Tính (SN 1986, trú Gò Công, Tiền Giang). Theo hồ sơ vụ án, Tính trong bộ dạng “sư thầy” đến nhà bà Nguyễn Thị Th. (trú thôn 9, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) để bán hương. Qua trò chuyện, Tính biết, gia đình bà Thủy đang vay tiền để chuẩn bị mua xe ôtô tải cho đứa con trai.

Trước khi rời nhà bà Th., vị “sư thầy” này đã không quên xin số điện thoại của gia chủ. Không lâu sau đó, Tính gọi điện cho bà Th. và nói rằng, gia đình phải tổ chức lễ cúng trước khi mua xe ôtô, nếu không con trai bà Th. sẽ bị tai nạn. Nghe vậy, bà Th. hoảng loạn rồi nhờ “sư thầy” đến nhà cúng giải hạn giúp. Đúng ngày hẹn, Tính  đến nhà bà Th. tổ chức lễ cúng.

Ngoài những lễ vật cần thiết, Tính yêu cầu bà Th. bỏ vào đĩa tiền lễ 119 triệu đồng để cúng. Cúng xong, Tính nói, phải mang số tiền này đến chùa để tiếp tục cúng vài ngày sau sẽ trả lại nhưng sau đó, Tính đã bặt vô âm tín cho đến khi bị Công an phát hiện, bắt giữ.

2,4 tỷ đồng đi tong

Cách đây chưa lâu, chị N.T.T.T. (trú tại TP Huế) vì cả tin “thầy phong thủy” có khả năng trừ tà nên bị lừa với số tiền lên đến 2,4 tỷ đồng. Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 3/2022, chị T. cùng bạn đi du lịch ở TP Buôn Ma Thuột, sau đó ghé thăm nhà chị L.T.M.H. (người thân của bạn chị T.). Tại đây, chị T. gặp Võ Hữu Sỹ (SN 1977, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là người chung sống như vợ chồng với H..

Tại đây, Sỹ tự giới thiệu là thầy phong thủy và mời chào chị T. mua một viên đá màu xanh nhỏ có giá trị 6,2 triệu đồng, với lời giới thiệu đây là vật đặc biệt có năng lượng tâm linh, thu nạp tài lộc. Nhận thấy chị T. là người sùng bái phong thủy, Sỹ nảy sinh lòng tham, tiếp tục giở chiêu lừa đảo và được chị tin tưởng mua thêm “đá tâm linh”. Không dừng lại ở đó, Sỹ liên lạc với chị T. qua điện thoại và bịa đặt ra nhiều câu chuyện tâm linh liên quan gia đình chị này. Do lo lắng, chị T. mời Sỹ từ Đắk Lắk ra TP Huế cúng trấn yểm, trừ tà ở nhà của mình.

Sau đó, Sỹ ra nhà chị T. để cúng và giả như bị người khác nhập vào, rồi đưa ra nhiều yêu cầu để chị T .lo sợ phải thực hiện. Từ tháng 4 - 8/2022, Sỹ tiếp tục yêu cầu chị T. chuyển tiền để lo việc thờ cúng, xây lăng, trừ tà, trấn yểm... Tuy nhiên, trên thực tế, Sỹ chỉ mua một số đồ vật bình thường như vật bằng đá, nước tắm, tượng Phật, ông thần tài... có giá trị rất thấp. Sỹ khai nhận mặc dù không làm việc gì liên quan đến nghề phong thủy, cúng bái; tuy nhiên, do lòng tham, đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 2,4 tỷ đồng của chị T. để sử dụng vào mục đích cá nhân. Hiện, Võ Hữu Sỹ đang bị tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chờ ngày xét xử.

Cơ quan Công an nhận định, với thủ đoạn tự giới thiệu bản thân là thầy bói, có khả năng xử lý được phần âm, các đối tượng lừa đảo rất dễ lấy được lòng tin của những người mê tín. Sau đó, đối tượng sẽ hù dọa nạn nhân nếu không làm “lễ giải bùa”, “lễ cắt vong”, “lễ trấn yểm”… thì sẽ gặp chuyện bất trắc, khiến nạn nhân lo âu, sợ hãi và quyết định chuyển tiền làm lễ để được yên tâm. Lừa đảo “giải bùa”, “cắt vong”… để chiếm đoạt tài sản thực chất là hành vi lợi dụng lòng tin của con người về thế giới tâm linh để trục lợi. Do đó, người dân cần cẩn trọng để không bị mắc lừa.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top