Cẩn trọng mắc bẫy lừa đảo lì xì điện tử và xem bói trực tuyến

09:47 - Thứ Ba, 20/02/2024 Lượt xem: 4907 In bài viết

Theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong những ngày đi làm sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra khá phức tạp. Nhiều người dân bị sập bẫy trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, những chiêu trò lừa đảo nhằm vào một bộ phận người dân cả tin, ham lợi và không thạo công nghệ.

Mới đây, Meta - tập đoàn công nghệ đang quản lý hai nền tảng mạng xã hội có đông đảo người dùng nhất là Facebook và Instagram tại Việt Nam đã cảnh báo đến người dùng một số chiêu trò lừa đảo trực tuyến phổ biến dịp Tết, trong đó có hình thức "nhận lì xì" điện tử.

Ảnh minh họa.

Lì xì điện tử trở nên phổ biến dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, tính năng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng để giăng bẫy người dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng hình thức mừng tuổi trực tuyến này để giả mạo người quen của nạn nhân và gửi những chiếc lì xì điện tử ảo qua mạng xã hội hoặc nền tảng nhắn tin, thông thường là các đường dẫn liên kết (link). Khi nhấp vào đường dẫn liên kết, người dùng có thể vô tình cung cấp thông tin cá nhân và trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Ngoài ra, các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin thông báo nhận tiền lì xì đầu năm của ngân hàng nhưng thực chất là các tin nhắn giả mạo, lừa đảo. Nội dung các tin nhắn có kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo (có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng). Nhiều người cả tin, muốn nhận quà "lì xì" nên đã nhanh chóng làm theo chỉ dẫn, truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn. Lúc này, hệ thống sẽ tự động hiển thị trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự của ngân hàng và yêu cầu điền các thông tin như số điện thoại, mật khẩu. Khi nhập các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của người dân.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dùng nên xác thực danh tính của người gửi trước khi nhận những phong bao lì xì điện tử. Cẩn trọng và tỉnh táo để nhận biết những dấu hiệu đáng ngờ trong tin nhắn như lỗi chính tả, giả mạo thương hiệu hoặc những ưu đãi quá lớn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã xác thực 1 lần (OTP), thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức thông qua bất kỳ hình thức nào. Không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến. Bên cạnh đó, Meta khuyến cáo người dùng thiết lập xác thực 2 yếu tố để bảo vệ cho tài khoản trực tuyến, giảm nguy cơ truy cập tài khoản trái phép.

Ngoài ra, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok hay các website, hàng loạt các cá nhân giả mạo sư thầy, thầy bói... xuất hiện những quảng cáo về xem bói dịp đầu năm. Số lượng quảng cáo nhiều đã tạo một "thị trường tâm linh" liên tục được hiển thị trên không gian mạng. Mỗi hội nhóm có thể lên tới hàng trăm ngàn thành viên tham gia. Nhiều người đã tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh trên mạng vì tin theo lời bói toán vô căn cứ, dẫn tới hậu quả xấu cho bản thân và gia đình, mất thời gian tiền của, mua về sự lo lắng, hoang mang. Khi nhiều người dân tin tưởng một cách mù quáng vào vận may rủi, tạo ra nhiều cơ hội cho những đối tượng lợi dụng hình thức tâm linh online trục lợi, lừa đảo, vô hình chung đã khiến giá trị của tâm linh cũng bị biến tướng theo.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông khuyến cáo người dân không nên sa đà vào hình thức tâm linh trên mạng xã hội. Người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top