Cảnh báo tình trạng mạo danh, thổi phồng công dụng bài thuốc đông y

09:43 - Thứ Năm, 07/11/2024 Lượt xem: 1863 In bài viết

Chiều 6/11, tại buổi họp cung cấp thông tin về Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lấn thứ 2 năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền cho biết, hội chợ được tổ chức từ ngày 21- 23/11, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) số 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Cung cấp kiến thức và cách phân biệt các loại dược liệu, thuốc cổ truyền

Hội chợ quy tụ hơn 400 gian hàng của hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở nuôi trồng dược liệu, bệnh viện y học cổ truyền, hội đông y trong nước và quốc tế như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…

“Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh dược liệu; cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền… gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tăng cường kết nối giao thương nhằm phát triển thị trường sản phẩm dược liệu, y dược cổ truyền…", Tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Ngọc cho biết.

Tình trạng quảng cáo "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư xuất hiện rầm rộ các kênh Tiktok, Youtube.

Các lĩnh vực trưng bày giới thiệu tại hội chợ gồm 5 nhóm chính:

Sản phẩm, nguyên liệu, dược liệu: Dược phẩm, nguyên liệu, sản phẩm ngành dược; dược liệu, giống cây trồng dược liệu; các sản phẩm từ dược liệu (thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm từ dược liệu, sản phẩm y dược cổ truyền); dịch vụ y thực trị y dược cổ truyền; các loại cây thuốc dân gian và di thực…

Chăm sóc sức khỏe: Máy móc, thiết bị dùng trong bệnh viện, phòng khám; Máy móc, thiết bị phục hồi chức năng…

Máy móc, công nghệ sản xuất dược liệu: Trang thiết bị sử dụng trong chế biến thuốc (dụng cụ làm sạch; dụng cụ rửa; dụng cụ thái, chặt dược liệu; dụng cụ nấu, chưng, đồ; dụng cụ sao thuốc; thiết bị làm khô dược liệu; …); Máy móc, công nghệ bào chế dược phẩm, dược liệu; Thiết bị máy móc đóng gói dược phẩm, vật liệu đóng gói dược liệu; Phần mềm phụ trợ cho ngành công nghiệp dược liệu…

Thiết bị Phân tích và Y dược thông minh: Thiết bị phòng sạch và bảo vệ môi trường; Thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị kiểm tra chất lượng; Y dược thông minh và chuyển đổi số…

Trường đại học, trung tâm đào tạo y học cổ truyền… Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng nhằm hỗ trợ các địa phương; hiệp hội ngành hàng; doanh nghiệp nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh dược liệu; cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu; các bệnh viện y học cổ truyền…, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tăng cường kết nối giao thương nhằm phát triển thị trường sản phẩm dược liệu, y dược cổ truyền và những sản phẩm từ dược liệu đồng thời khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường học hỏi, liên doanh liên kết, đầu tư phát triển sản xuất và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ dược liệu có chất lượng cao.

Trong thời gian hội chợ sẽ diễn ra các hoạt động như: Hội thảo "Ứng dụng các thành tựu y học cổ truyền trong điều trị, chăm sóc sức khỏe"; Hội thảo "Phát triển dược liệu Việt Nam trong thời kỳ 4.0"; Hội nghị kết nối giao thương phát triển vùng trồng dược liệu, sản phẩm từ dược liệu vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội chợ cung cấp cho người tham gia kiến thức và cách phân biệt các loại dược liệu, thuốc cổ truyền; Giới thiệu sản phẩm thuốc đặc trưng vùng, miền, địa phương; Chương trình giao lưu, tư vấn về chính sách pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở, cá nhân khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ; Trải nghiệm các sản phẩm dược liệu trưng bày tại hội chợ; Giới thiệu quảng bá, tư vấn, khám bệnh miễn phí và các kiến thức về dược liệu, thuốc cổ truyền…

Xuất hiện tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan

Việt Nam được xếp thứ 2 trên thế giới về những thành tựu của nền y học cổ truyền với hơn 5.000 loại cây thuốc có công dụng chăm sóc sức khỏe, đã hình thành nên các vùng trồng dược liệu lớn. Ngoài tác dụng chăm sóc bảo vệ sức khỏe, dược liệu còn dùng làm thuốc, thực phẩm dinh dưỡng, làm mỹ phẩm…

Hiện có khoảng 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% bệnh nhân ở tuyến tỉnh và 10% bệnh nhân ở tuyến Trung ương được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền. Y học cổ truyền đa phần tham gia vào điều trị các bệnh lý mạn tính, cơ xương khớp, một số bênh lý khác. Một số bệnh viện đã triển khai ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư, điều trị đái đường, rối loạn lipid máu…, bước đầu triển khai cho kết quả tốt.

Cả nước hiện có gần 70.000 hội viên Hội Đông y, với hơn 11 nghìn phòng chẩn trị và trung tâm đông y. Trong đó có nhiều lương y sở hữu những bài thuốc quý giá, gia truyền nhiều đời. Tuy nhiên, hiện nay, các thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội.

Chia sẻ về tình trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý y, dược cổ truyền nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ ở y học cổ truyền làm ăn chân chính, lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị các đối tượng mạo danh, quảng cáo 'nổ' trên mạng xã hội, gây mất uy tín và đe dọa sức khỏe người dân.

“Tình trạng quảng cáo "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư xuất hiện rầm rộ các kênh Tiktok, Youtube... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của dược liệu y học cổ truyền”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là tình trạng mạo danh lương y nổi tiếng quảng cáo trên Youtube, thậm chí công khai cả số điện thoại, khiến nhiều người dân tin và mua sản phẩm về chữa bệnh như trường hợp một lương y ở Lào Cai.

"Đây là vấn đề hết sức đau đầu, Cục đã nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ sở làm ăn chân chính bị mạo danh. Theo đúng thẩm quyền, Cục đã gửi công văn cho Sở Y tế thậm chí gửi cả cho Công an đến điều tra, lần theo cả số điện thoại nhưng đến nơi thì không có. Tình trạng mạo danh rất phức tạp, cần rất nhiều cơ quan, ban, ngành phối hợp với nhau mới xử lý được", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thịnh thông tin.

Vì vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thịnh, việc quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cảnh giác trước những đối tượng lừa đảo này.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top