Trước dịch COVID-19, tại Thừa Thiên Huế chỉ có 1-2 trường hợp thì nay có trên dưới 30 trường hợp nhiễm HIV ở nhóm đồng tính mỗi năm, tập trung ở lứa tuổi từ 18-25 tuổi. Thực trạng này là mối đe dọa tới lực lượng lao động chính của xã hội và ảnh hưởng đến chất lượng dân số, sức khỏe nòi giống bởi đây là độ tuổi kết hôn, sinh con…
Độ tuổi nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa
Từ đầu năm đến nay, tại Thừa Thiên Huế phát hiện khoảng 80 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 45 người quê Thừa Thiên Huế. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống đang quản lý là 522 người. Trong đó, 500 người Thừa Thiên Huế, 5 người ngoại tỉnh và 17 phạm nhân đang chấp hành án ở trại giam. Số người nhiễm HIV phát hiện mới từ năm 2018 đến nay có xu hướng gia tăng so với giai đoạn từ năm 2011-2016, sự gia tăng này chủ yếu ở nhóm đồng tính nam (MSM). Điều đáng lo ngại, độ tuổi của người nhiễm HIV trong tỉnh phát hiện qua các năm có xu hướng trẻ hóa, từ năm 2013 người nhiễm HIV trong tỉnh có tuổi dưới 30 với 22% nhưng đến năm 2020 đã lên đến 66,2%. Và 3 năm trở lại đây, các ca bệnh trẻ tăng, tập trung ở độ tuổi 16-25.
N.V.V, một nhân viên tiếp cận nhóm đồng tính tư vấn, triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong cuộc truyền thông nhóm nhỏ mới đây, anh V gặp nam sinh tên A. (14 tuổi, hiện đang học lớp 9). Em A cho biết, lúc học lớp 7, một “đàn anh” rủ rê đi cà phê và bị bỏ thuốc vào đồ uống. Khi tỉnh dậy, nam sinh này mới biết mình bị xâm hại tình dục. Truy thủ phạm, N.V.V “ngã ngửa” bởi đó chính là đối tượng mới đăng ký dùng thuốc điều trị dự phòng đợt trước.
“Vừa động viên, tôi trấn an và giúp A test nhanh tại chỗ. Rất may, sau 2 lần test, đã cho kết quả âm tính với HIV. Mới đây, 1 sinh viên hiện đang học đại học năm 3 tại Huế cũng là nhân viên nhóm đồng tính tư vấn, triển khai phòng, chống HIV/AIDS qua test cho kết quả dương tính với HIV. Em này cho biết, nguyên nhân là do lần đầu quan hệ không an toàn khi đang học lớp 11 và đồng nghĩa với việc giờ em phải điều trị chậm 4 năm. Nếu không tiếp cận với thuốc ARV, khả năng 6 tháng nữa, sinh viên này sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS”, V cho biết.
Theo Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (CDC), nếu tính một năm có khoảng 50 ca bệnh thì tỷ lệ học sinh-sinh viên mắc bệnh chiếm 50%-60%. Một số trường hợp là nam học sinh, nam sinh viên được gia đình đưa đến khoa xét nghiệm khẳng định dương tính với HIV. Thời gian gần đây nổi lên tình trạng lây nhiễm trong nhóm MSM. Hầu hết họ rất e ngại trong tiếp xúc và sống khép mình, giấu kín xu hướng tính dục nên khó tiếp cận. Có những học sinh đến xét nghiệm hoàn toàn không biết gì về đường lây truyền HIV. Cũng có người không giữ được mình trong cuộc vui, chỉ một lần quan hệ với bạn tình đã lây nhiễm bệnh…
Phòng khám Chuyên khoa và Điều trị nghiện chất CDC Thừa Thiên Huế từng đón không ít trường hợp cha/ mẹ đưa con trai đến khám, tư vấn. Một bà mẹ sau khi đưa con đi điều trị bệnh thông thường thì kết quả xét nghiệm trả về báo dương tính với HIV. Bà kể con trai mình học hành rất tốt, hiền lành và không hề dính vào các tệ nạn xã hội, không hiểu sao lại lây nhiễm HIV. Ở các bước xét nghiệm tiếp theo, bệnh nhân nam này có kết quả dương tính khẳng định. Bà mẹ ấy sốc, khóc ngất. Qua trò chuyện, bệnh nhân này mới bộc lộ mình là MSM và đã có quan hệ với bạn đồng giới. Người con trai ấy giấu biệt cha mẹ giới tính thật sự của mình vì áp lực, kỳ vọng từ gia đình…
Đẩy mạnh tuyên truyền trong học sinh, sinh viên
ThS.BS Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS CDC tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lây nhiễm HIV trên địa bàn chủ yếu qua đường quan hệ tình dục. Đặc biệt đáng chú ý, tập trung vào nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Trước thực trạng này, CDC Thừa Thiên Huế phối hợp với CDC Đà Nẵng tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV lưu động cho nhóm người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình của người nhiễm HIV, nhóm có nguy cơ cao MSM. Tuy nhiên, không dễ để tiếp cận với những đối tượng này bởi họ sợ nếu lỡ dính HIV, gia đình, người thân biết được sẽ suy sụp, rồi nhiều người khác sẽ kỳ thị, xa lánh họ…
Theo ThS.BS Lý Văn Sơn, do số ca dương tính HIV “trẻ hóa” đang gia tăng nên đơn vị đang đẩy mạnh mảng truyền thông, giáo dục ở các trường học. Riêng nhóm tình nguyện viên tiếp cận MSM ban đầu truyền thông theo nhóm nhỏ nhằm tạo sự thân thiện, tiếp cận gần. Thời gian tới, sẽ triển khai và tận dụng các kênh thông tin, trong đó mạng xã hội nhằm giúp MSM, LGBT (tập hợp một nhóm thiểu số những người có xu hướng tính dục không phải dị tính hoặc hợp giới) thay đổi cách nhìn về HIV cũng như các phương pháp điều trị.
Thời gian qua, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS CDC tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế tổ chức truyền thông về phòng, chống HIV tại nhiều trường học. Tại buổi truyền thông về HIV/AIDS cho hơn 1.000 sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, 500 sinh viên Trường Đại học Y Dược Huế và nhiều trường đại học thành viên thuộc Đại học Huế do CDC tỉnh tổ chức mới đây đã mang lại nhiều kiến thức hiệu quả cho các bạn trẻ nhằm phòng tránh lây nhiễm.
H.C.L, sinh viên Trường ĐH Du lịch, ĐH Huế cho rằng: “Hoạt động rất hữu ích với bản thân. Em thích nhất là nội dung các đường lây truyền của HIV. Qua đó mới biết việc cắt tóc, cạo râu, chích lễ, làm đẹp liên quan tới kim, dao lam… đều phải cẩn trọng”.
Không chỉ tuyên truyền tại các trường cao đẳng, đại học, từ đầu tháng 11/2023 đến nay, Trung tâm Y tế TP Huế đã tổ chức truyền thông tại 31 trường THCS trên địa bàn. Tại đây, các cán bộ y tế đã chuyển tải các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, thông điệp không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, biện pháp dự phòng sớm lây nhiễm HIV, lợi ích của xét nghiệm HIV, dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS của cộng đồng, giới thiệu website tuxetnghiem.vn… Trước thực trạng ca nhiễm HIV trẻ hóa, việc truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong nhà trường góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên về công tác phòng, chống HIV/AIDS.