Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Vấn đề kỳ này

Kiểm soát tốt tình trạng đốt nương gây cháy rừng

17:02 - Thứ Hai, 22/04/2024 Lượt xem: 3298 In bài viết

ĐBP - Đang cao điểm mùa nắng nóng, cũng là “mùa đốt nương” của bà con vùng cao. Do vậy, nhiều tuần qua, khí hậu khu vực TP. Điện Biên Phủ nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung rất ngột ngạt.

Nắng nóng kèm theo đốt nương, tàn tro bay tứ tung, ảnh hưởng khí hậu, môi trường sinh thái, sức khoẻ người dân, hoạt động khai thác bay tại Cảng Hàng không Điện Biên.

Nhiều tháng qua khu vực tỉnh Điện Biên ít mưa, cây rừng khô héo, thảm thực bì dày, chỉ cần người dân vô ý đốt nương không kiểm soát, đốt ong, vứt tàn thuốc xuống rừng… là gây cháy.

Vụ cháy rừng tại xã Mường Báng, huyện Tùa Chùa đầu tháng 4 đã nói lên tình trạng đốt nương không kiểm soát của người dân. Mặc dù chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã rất nỗ lực, huy động gần 1.000 người tham gia chữa cháy, nhưng cũng mất 2 ngày mới dập tắt được đám cháy. Diện tích bị cháy khoảng 42,17ha rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Trong đó diện tích bị cháy thiệt hại cây rừng khoảng 0,97ha, còn lại là cháy dưới tán không ảnh hưởng đến tầng cây chính của rừng.

Đau lòng nhất phải kể đến vụ cháy rừng tại thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà ngày 15/4 làm 1 người dân thiệt mạng. Nạn nhân xấu số là chị Giàng Thị X., sinh năm 1986, trú tại tổ 10, thị trấn Mường Chà. Khi phát hiện cháy rừng, chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy, chị X. không chút nề hà, nhiệt tình tham gia. Tiếc rằng, quá trình tham gia chữa cháy, do đám cháy lan nhanh, ngọn lửa ngày càng lớn, gió to đã làm chị chết cháy; diện tích rừng thiệt hại hơn 5ha.

Cũng liên quan đến cháy trong thời gian qua đó là vụ việc tại xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, gây thiệt hại 3 ngôi nhà cạnh nhau (chưa cháy lan vào rừng). Nguyên nhân do người dân đun nấu đã không dập hết tàn củi trong bếp. Ngọn lửa âm ỉ cháy, gặp gió đã bùng phát, gây cháy nhà. Khi người dân phát hiện thì mọi việc đã quá muộn. Toàn bộ 3 ngôi nhà và tài sản bao năm tích cóp được đã cháy thành tro. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng thống kê của cơ quan chức năng thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Nắng nóng cùng với mùa đốt nương phát dọn thực bì cho sản xuất nông nghiệp vụ tới của người dân địa phương đã gây cháy rừng nhiều nơi. Trong ngày 15/4, Chi cục Kiểm lâm thống kê, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 104 điểm cháy. Trong đó, có 2 điểm cháy lan vào diện tích rừng (đã được dập tắt), 79 điểm cháy do đốt nương và 19 điểm cháy đang được xác minh. Các huyện có nhiều điểm cháy là Điện Biên Đông, Mường Nhé và Tuần Giáo.

Có vụ cháy rừng người dân, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng phát hiện, dập tắt kịp thời. Nhưng cũng có nhiều vụ cháy rừng ở những nơi không thuận lợi, địa hình đồi núi dốc, xa nguồn nước, xa khu dân cư… nên rất khó khăn trong công tác dập lửa.

Với diện tích rừng lớn, địa hình trải rộng, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, nhất là “văn hoá đốt nương” của không ít người dân địa phương đã ăn sâu vào tiềm thức, thì công tác phòng, chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Hạn chế tình trạng cháy rừng, không để đám cháy lan ra diện rộng gây thiệt hại về rừng, nhà cửa, tài sản, kể cả gây chết người như vụ cháy ở thị trấn huyện Mường Chà, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc phát dọn thực bì, đốt nương, đốt ong, đun nấu…

Đang thời gian cao điểm mùa khô, cấp độ dự báo cháy rừng cực kỳ nguy hiểm, do vậy người dân không nên phát dọn, đốt thực bì thời gian này. Chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân biết, chấp hành nghiêm các quy định của cấp trên về hạn chế và cấm đốt nương thời gian cao điểm, nhất là từ nay đến hết tháng 5/2024 - phục vụ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp người dân không chấp hành. Nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng, gây thiệt hại lớn, theo quy định của pháp luật, cần kịp thời phối hợp điều tra, xác minh và khởi tố các trường hợp vi phạm.

Ngành Kiểm lâm cần cập nhật thường xuyên, thông báo cho người dân, chính quyền địa phương biết các khu vực nguy cơ cháy rừng cao; khu vực hạn hán lâu ngày, khu vực thiếu nước, cấp độ gió… từ đó khuyến cáo người dân không đốt nương, cấm phát dọn thảm thực bì, tránh vô ý làm cháy rừng, gây hậu quả khôn lường.

Sống ở rừng phải biết dựa vào rừng, thích ứng với tự nhiên; nhất là tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng, trồng rừng kinh tế... Khi diện tích rừng được phủ xanh, khép tán ngày càng nhiều, nguồn lợi từ rừng mang lại cho bà con tăng lên, sẽ hạn chế tình trạng sản xuất nương luân canh, vấn nạn phá rừng, đốt dọn thực bì được kiểm soát tốt, mới không còn những vụ cháy rừng gây thiệt hại về người, tài sản như vừa nêu.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top