Châu Âu ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần hành động quyết đoán

08:11 - Thứ Tư, 13/03/2024 Lượt xem: 4831 In bài viết

Châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất trên thế giới và các rủi ro về khí hậu đang đe dọa an ninh năng lượng, lương thực, hệ sinh thái, sức khỏe người dân... Đánh giá do Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) vừa công bố cho thấy, nhiều rủi ro đã ở mức nghiêm trọng và có thể trở thành thảm họa nếu không hành động khẩn cấp và quyết đoán.

Một trạm xăng ngập nước ở Gjovik sau trận mưa lớn tại phía Đông Nam Na Uy, tháng 8-2023. Ảnh: Reuters

Nắng nóng cực độ, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt như những năm gần đây sẽ còn trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu. EEA đã công bố báo cáo đầu tiên mang tên “Đánh giá rủi ro khí hậu châu Âu (EUCRA)” để giúp xác định các ưu tiên chính sách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với những lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Theo đánh giá, các chính sách và hành động thích ứng của châu Âu chưa theo kịp tốc độ rủi ro đang gia tăng nhanh chóng.

Trong nhiều trường hợp, việc thích ứng dần dần sẽ không đủ và nhiều biện pháp nhằm cải thiện khả năng phục hồi khí hậu đòi hỏi thời gian dài nên phải có hành động khẩn cấp. Một số khu vực ở châu Âu đã trở thành điểm nóng về rủi ro khí hậu. Trong đó, Nam Âu có nguy cơ cháy rừng cao, đang đối mặt với tác động của tình trạng khan hiếm nhiệt và nước đối với sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người... Trong khi lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn đe dọa các vùng ven biển trũng thấp của Lục địa già, nơi có nhiều thành phố đông dân cư.

“Nhiệt độ cực cao, hiện tượng tương đối hiếm gặp, đang trở nên thường xuyên hơn trong khi lượng mưa đang thay đổi. Các trận mưa như trút nước, cực đoan đang ngày càng nghiêm trọng và những năm gần đây châu Âu đã chứng kiến lũ lụt thảm khốc ở nhiều khu vực khác nhau”, EEA cảnh báo. Giám đốc điều hành EEA Leena Yla-Mononen lưu ý, 2023 là “năm ấm nhất” trong suốt 100.000 năm qua. Nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục đã được ghi nhận kể từ tháng 6-2023 và “đây là điều bình thường mới”.

Trên thực tế, năm ngoái Lục địa già đã trải qua một mùa hè khắc nghiệt. Các quốc gia châu Âu phải vật lộn để đối phó với hậu quả của nhiệt độ thiêu đốt, cháy rừng dữ dội và lũ lụt tàn khốc. Lính cứu hỏa Hy Lạp phải chiến đấu vất vả để ngăn chặn những đám cháy phá hủy nhiều ngôi nhà gần thủ đô Athens. Nhà sản xuất điện EDF của Pháp phải cắt giảm sản lượng điện hạt nhân do nắng nóng quá mức...

Trong khi đó, Na Uy luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về mưa ở khu vực phía Nam đất nước. Chắc chắn, tình trạng khẩn cấp về khí hậu - nguyên nhân chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch, đang khiến thời tiết khắc nghiệt và tác động của nó trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.

Theo EEA, các vấn đề liên quan đến khí hậu đã gây ra 85.000 đến 145.000 ca tử vong trên khắp châu Âu trong 40 năm qua. Chỉ riêng năm 2022, các đợt nắng nóng cực độ khiến hơn 60.000 người thiệt mạng trên lục địa này. Năm 2021, lũ lụt chưa từng có quét qua Bỉ, Đức và Hà Lan, gây thiệt hại 44 tỷ euro (48 tỷ USD). Cùng năm đó, Italia chứng kiến khoảng 60.700ha rừng bị thiêu rụi trong các vụ cháy nghiêm trọng. Năm 2023, lũ quét ở Slovenia gây thiệt hại ước tính hơn 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tổng thiệt hại kinh tế do các hiện tượng cực đoan liên quan đến thời tiết và khí hậu ở các nước Liên minh châu Âu (EU) đã vượt quá 650 tỷ euro (711 tỷ USD) từ năm 1980 đến năm 2022.

Thêm nữa, thời gian cố gắng ngăn chặn biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải và các nỗ lực khác dường như đã kết thúc, mặc dù vẫn cần thiết để tránh làm tình hình vốn đã nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn. Tất cả các tác động đang diễn ra và rủi ro trong tương lai đều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường bất động sản và lĩnh vực bảo hiểm.

Theo EEA, ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu phải là “một trong những ưu tiên hàng đầu” đối với nhiệm kỳ tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách EU. Nhiều chuyên gia về khí hậu nhận định, các quốc gia thành viên EU đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hiểu rõ những rủi ro khí hậu và chuẩn bị ứng phó với chúng.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị của xã hội là chưa đủ vì việc thực thi chính sách đang tụt hậu so với mức độ rủi ro gia tăng nhanh chóng. Để giảm thiểu rủi ro khí hậu ở châu Âu, EEA nhấn mạnh rằng, các quốc gia thành viên EU cần hợp tác với sự tham gia của cấp khu vực và địa phương khi có hành động khẩn cấp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top