Nhiều quốc gia phản đối Israel tấn công Rafah, đàm phán với Hamas tạm dừng

15:38 - Thứ Ba, 09/04/2024 Lượt xem: 4447 In bài viết

Thủ tướng Israel tuyên bố “đã có thời điểm” cho chiến dịch tấn công Rafah, thành phố phía Nam Gaza, nơi hiện là điểm trú ẩn của hơn 1 triệu người Palestine phải di dời.

Tuy nhiên, kế hoạch của Israel vấp phải sự lên án từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ, do lo ngại một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Rafah sẽ gây nguy hiểm cho khoảng 1,4 triệu người Palestine.

Một khu trại dành cho người Palestine tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza. Ảnh: Reuters

Ở diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Mỹ chưa nhận được thông tin về thời điểm Israel tấn công Rafah. Theo Times of Israel, Pháp, Ai Cập và Jordan đồng loạt kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, thả toàn bộ con tin và tìm ra “con đường” dẫn đến giải pháp hai nhà nước.

Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng cảnh báo, chiến dịch tấn công Rafah sẽ chỉ gây thêm thương vong, tăng rủi ro và hậu quả của việc dân thường phải di dời hàng loạt và đe dọa leo thang tình hình trong khu vực.

Chiến dịch tấn công Rafah sẽ tác động đến hơn 1 triệu người dân đang trú ẩn tại thành phố này. Ảnh: Reuters

Liên quan đến đàm phán ngừng bắn ở Cairo (Ai Cập), Basem Naim, một quan chức cấp cao của Hamas tiết lộ, các cuộc đàm phán con tin với Israel đang “tạm dừng” sau khi lực lượng này nhận được đề xuất từ ​​các bên tham gia hòa giải.

“Đề xuất là một bước lùi so với các đề xuất trước đó và không thể được coi là bước khởi đầu cho một thỏa thuận ngừng bắn”, quan chức này nêu rõ.

Basem Naim không giải thích lý do tại sao đề xuất kể trên được coi là một bước thụt lùi. Nhưng sau vòng đàm phán ở Doha (Qatar) hồi tháng 3 vừa qua, Hamas yêu cầu mọi thỏa thuận thả con tin phải bao gồm một lộ trình dẫn đến ngừng bắn toàn diện. Tuy nhiên, Israel tuyên bố, lệnh ngừng bắn duy nhất có thể được chấp nhận phải bao gồm việc Hamas cùng các lãnh đạo đầu hàng.

Về tình hình nhân đạo, Cơ quan điều phối hoạt động của chính phủ tại các vùng lãnh thổ (COGAT) thuộc Bộ Quốc phòng Israel thông báo, Gaza cuối tuần qua đã tiếp nhận 322 xe tải viện trợ nhân đạo, cũng là con số cao nhất trong một ngày kể từ khi xung đột nổ ra.

Xe tại vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza tại cửa khẩu Kerem Shalom. Ảnh: Times of Israel

Như một phần trong những nỗ lực tăng cường hoạt động nhân đạo ở Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cùng Đại sứ Mỹ tại Israel Jack Lew đã có chuyến thăm Cơ quan điều phối và giảm xung đột nhân đạo của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF).

“Khi nỗ lực đạt được các mục tiêu của cuộc chiến này, cụ thể là tiêu diệt Hamas và sự tự do của các con tin, chúng tôi cũng nhận ra tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza”, Bộ trưởng Yoav Gallant cho biết.

Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Israel cũng thông báo, sau cuộc tấn công nhằm vào đoàn xe của tổ chức từ thiện World Central Kitchen (WCK), nội các an ninh Israel đã quyết định thực hiện ngay lập tức các bước cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza.

Các biện pháp bao gồm tạm thời mở cảng Ashdod và cửa khẩu Erez ở phía Bắc Dải Gaza. Israel cũng cam kết tăng lượng viện trợ từ Jordan qua cửa khẩu Kerem Shalom ở phía Nam vùng lãnh thổ này, cho phép mở 20 tiệm bánh và một đường dẫn cung cấp nước cho tại Bắc Gaza.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani tuyên bố, Baghdad sẽ gửi 10 triệu lít nhiên liệu tới Gaza, đồng ý tiếp nhận và tiến hành điều trị cho những người Palestine bị thương tại các bệnh viện chính phủ và tư nhân.

Trong khi đó, The Guardian cho biết, một ngày sau khi Israel bất ngờ rút khỏi miền Nam Gaza, hàng nghìn người Palestine, kiệt sức vì 6 tháng chiến tranh không ngừng và nhiều lần di tản, đã trở lại thành phố Khan Younis bị tàn phá.

Tuy nhiên, nhiều người chọn cách đi bộ từ thành phố Rafah gần đó, đã phải vật lộn để tìm những ngôi nhà đã bị tàn phá trong các khu phố nặng mùi chết chóc. Nhiều gia đình cũng ra sức tìm kiếm các thi thể bị chôn vùi từ lâu trong đống đổ nát.

"Chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy ngôi nhà hoặc tàn dư của nó, hoặc đơn giản có thứ gì đó từ nó để trú ẩn. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy ngôi nhà của mình", Qandil, 46 tuổi, một trong những người đã trở lại Khan Younis, chia sẻ với báo chí.

Ước tính, khoảng 55% các tòa nhà trong thành phố đã bị phá hủy hoặc hư hại sau chiến sự.

Người dân tìm kiếm những vật dụng phục vụ cuộc sống sau khi trở về Khan Younis. Ảnh: The Guardian

Việc Sư đoàn 98 của Israel bất ngờ rút lui khỏi miền Nam Gaza làm dấy lên nhiều phân tích khác nhau, với nhiều quan điểm cho rằng đây là dấu hiệu sự kết thúc giao tranh cường độ cao ở Gaza.

Israel hiện chỉ để lại 2 lữ đoàn bên trong Gaza với nhiệm vụ duy trì sự tách biệt nửa phía Bắc và nửa phía Nam Dải Gaza.

Tuy nhiên, các quan chức của Israel vẫn khẳng định, việc rút quân xuất phát từ "lý do chiến thuật", nhấn mạnh điều này không đánh dấu sự kết thúc của cuộc xung đột hay đồng nghĩa trì hoãn cuộc tấn công đã lên kế hoạch nhằm vào Rafah.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top