Căng thẳng Iran - Israel gia tăng: Đe dọa ổn định toàn cầu

06:56 - Thứ Năm, 18/04/2024 Lượt xem: 4860 In bài viết

Việc Iran phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel nhằm trả đũa cuộc không kích của Tel Aviv vào lãnh sự quán Iran ở Damascus (Syria) đã đẩy khu vực “nóng bỏng” này đến bờ vực của một cuộc chiến tranh rộng lớn.

Đáng nói hơn, leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia giàu tiềm lực quân sự này đang gây ra những quan ngại về tình trạng bất ổn trên quy mô toàn cầu.

Hệ thống chống tên lửa của Israel hoạt động sau khi Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa. Ảnh: Reuters

Mặc dù cuộc tấn công của Iran bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái không gây nhiều thiệt hại cho Israel nhưng đủ làm gia tăng lo ngại về viễn cảnh một cuộc chiến đang lan rộng ở Gaza. “Bóng ma” xung đột vẫn rình rập, khi Israel đang dự tính bước đi tiếp theo, bất chấp những giải pháp nhằm giảm leo thang quân sự từ cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia của tờ Arabnews nhận định, một cuộc chiến trực tiếp giữa Tel Aviv và Tehran có khả năng định hình lại bối cảnh địa chính trị toàn cầu theo những cách khó dự đoán và sẽ tác động sâu rộng đến hòa bình, ổn định trên toàn thế giới.

Hậu quả đầu tiên của cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel sẽ là sự bất ổn ở khu vực Trung Đông vốn đã đầy biến động. Cả hai quốc gia đều có ảnh hưởng đáng kể đối với các nước láng giềng - những quốc gia có thể nhanh chóng bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Các lực lượng ủy nhiệm, phong trào nổi dậy sẽ gia tăng hoạt động. Khủng hoảng trong vấn đề người tị nạn càng thêm trầm trọng sẽ gieo rắc sự hỗn loạn khắp khu vực. Sự cân bằng quyền lực mong manh ở Trung Đông có thể bị phá vỡ, mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên mới đầy bất ổn và bạo lực.

Đáng quan ngại hơn, nếu ngọn lửa chiến tranh lan rộng, những người dân vô tội chắc chắn sẽ phải gánh chịu đau khổ. Một cuộc xung đột giữa Iran và Israel, với việc khai hỏa nhiều thiết bị quân sự hiện đại tại các trung tâm đô thị đông dân chắc chắn sẽ dẫn đến sự tàn phá và thương vong trên diện rộng.

Một vấn đề khác nghiêm trọng không kém là vũ khí hạt nhân. Chương trình hạt nhân của Iran từ lâu đã là mối lo ngại của cộng đồng quốc tế khi nó có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Xung đột trực tiếp với Israel có thể thúc đẩy Iran tăng tốc tham vọng hạt nhân. Điều này sẽ làm suy yếu các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và làm gia tăng khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Ngoài các chiến thuật quân sự thông thường, cuộc xung đột Israel và Iran có thể sẽ chứng kiến sự leo thang đáng kể trong chiến tranh không gian mạng. Đều sở hữu năng lực công nghệ hiện đại, nên một khi bước vào cuộc chiến, hai quốc gia này hoàn toàn có thể nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, làm gián đoạn mạng lưới liên lạc và gieo rắc sự hỗn loạn trên thị trường tài chính. Xung đột cũng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức khủng bố khai thác, làm trầm trọng thêm mối đe dọa an ninh toàn cầu.

Trong khi đó, hậu quả kinh tế của một cuộc chiến trực tiếp giữa Israel và Iran sẽ không chỉ được cảm nhận ở Trung Đông mà trên toàn thế giới. Bởi lẽ, hai nước đều có mạng lưới thương mại rộng khắp và các nguồn lực mang tầm chiến lược. Đặc biệt, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung dầu từ khu vực này sẽ gây ra làn sóng chấn động trên thị trường quốc tế. Những hiệu ứng gợn sóng rất có thể sẽ được cảm nhận ở nhiều lĩnh vực, từ tài chính đến nông nghiệp, khiến các nền kinh tế vốn đã mong manh có thể rơi vào suy thoái và làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn xã hội.

Cuối cùng, một cuộc xung đột trực tiếp và toàn diện giữa Israel và Iran sẽ tác động sâu sắc đến quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế. Các quốc gia sẽ buộc phải chọn phe, làm phân cực hơn nữa cộng đồng toàn cầu và làm suy yếu các nỗ lực giải quyết xung đột thông qua ngoại giao và đối thoại. Việc phá vỡ các kênh ngoại giao có thể làm gia tăng chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc, khiến việc tìm giải pháp hòa bình càng trở nên khó khăn hơn.

Hiện các đồng minh của Israel đang tăng cường kêu gọi giảm leo thang trong khu vực. Sáu tháng sau cuộc tấn công của phong trào Hamas vào Israel, cuộc xung đột tại Dải Gaza vẫn chưa có hồi kết. Do vậy, căng thẳng bùng phát giữa Israel và Iran là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực và toàn cầu. Giới phân tích quốc tế nhận định, một cuộc chiến trực tiếp giữa hai quốc gia này sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng và ảnh hưởng sâu rộng, có khả năng định hình lại cục diện địa chính trị trong nhiều năm tới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top