Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bất ngờ tới Bắc Kinh (Trung Quốc) sau những chuyến công du tương tự vào tuần trước tới Mátxcơva và Kiev để thảo luận về triển vọng giải quyết "bài toán" hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã kéo dài hơn 2 năm. Sau khi đảm trách cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), ông Viktor Orban đã bắt tay ngay vào một sứ mệnh tìm kiếm hòa bình, dù không nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Điếu Ngư Đài (Bắc Kinh, Trung Quốc). Ảnh: China Daily
Trong số các nhà lãnh đạo châu Âu, Thủ tướng Viktor Orban được coi là có mối quan hệ nồng ấm nhất với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm Mátxcơva của ông vào tuần trước đã phải nhận sự chỉ trích từ Kiev và giới quan chức Liên minh châu Âu (EU), những người khẳng định, Thủ tướng Hungary không đại diện cho toàn bộ EU. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng Hungary tới Nga hoàn toàn là vấn đề song phương và ông Viktor Orban "không nhận được bất kỳ lệnh nào từ Hội đồng Liên minh châu Âu để tới thăm Mátxcơva". Tuy nhiên, những lời khiển trách như vậy không ngăn được Thủ tướng Hungary thực hiện chuyến thăm tương tự tới Bắc Kinh mà ông gọi là "Sứ mệnh hòa bình 3.0" trong một bức ảnh đăng trên mạng xã hội X.
Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 8-7, Thủ tướng Viktor Orban nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc là "cường quốc chủ chốt tạo điều kiện cho hòa bình" đối với cuộc xung đột bắt nguồn từ năm 2014 và đã bùng nổ thành chiến tranh toàn diện năm 2022, đồng thời ca ngợi các sáng kiến hòa bình “mang tính xây dựng và quan trọng” của nước này. Thủ tướng Hungary tuyên bố "không tranh luận về việc ai đúng, ai sai", "mục đích chỉ là hòa bình và ngừng bắn". Chủ tịch Trung Quốc đánh giá cao những nỗ lực của Thủ tướng Viktor Orban sau khi nhà lãnh đạo Hungary thông báo về kết quả chuyến thăm của ông tới Kiev và Mátxcơva. Ông Viktor Orban cho biết, Trung Quốc và Hungary sẽ duy trì liên lạc về các vấn đề liên quan đến Ukraine vì những nỗ lực "đồng bộ" hướng tới hòa bình của cả hai.
Nhà lãnh đạo Hungary đã ủng hộ chính sách đối ngoại "mở cửa về phía Đông" kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2010 và tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga và các nước châu Á. Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Viktor Orban là nhà lãnh đạo EU duy nhất tham dự Hội nghị thượng đỉnh sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ông cũng là nhà lãnh đạo duy nhất trong EU và NATO nhiều lần phản đối các biện pháp viện trợ tài chính, quân sự cho Ukraine.
Đầu tháng 7-2024, Budapest tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) với nhiệm vụ định hình chương trình nghị sự của Liên minh trong 6 tháng. Bất chấp việc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, vai trò Chủ tịch luân phiên không có nhiệm vụ phải thay mặt cho EU hợp tác với Nga, nhưng người đứng đầu Budapest vẫn mong muốn sử dụng cương vị này để vận động chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Về sứ mệnh hòa bình của Thủ tướng Viktor Orban, cố vấn của Thủ tướng Hungary Balazs Orban cho biết, hơn 2 năm qua, ngày càng có nhiều người nói về hòa bình và ý định thiết lập nó, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai đủ can đảm để làm gì, chẳng hạn như mở lại các kênh liên lạc giữa các bên. Ông Balazs Orban nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc, khẳng định rằng, "nếu muốn chấm dứt chiến tranh, bạn cần phải khôi phục các kênh liên lạc". Động thái này phản ánh quan điểm của Budapest rằng, đối thoại liên tục là rất quan trọng để giải quyết xung đột và bảo đảm rằng châu Âu đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào. Vì vậy, cương vị Chủ tịch Hội đồng EU của Hungary là một cơ hội tốt để hành động.
Trả lời phỏng vấn với Euractiv, ông Balazs Orban giải thích rằng, mục đích chính của các chuyến thăm của Thủ tướng Viktor Orban là khám phá các con đường có thể dẫn đến lệnh ngừng bắn, một bước mà Hungary tin là không thể né tránh. "Sớm muộn gì nó cũng sẽ đến, đây là cách cuộc xung đột này sẽ kết thúc"; đồng thời nêu rõ: Hungary tin tưởng rằng lệnh ngừng bắn cuối cùng sẽ đạt được và càng sớm thì càng tốt cho châu Âu.
Chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Viktor Orban, được Hungary gọi là "Sứ mệnh hòa bình 3.0", nhấn mạnh cam kết của Budapest đối với các giải pháp ngoại giao trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bất chấp sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo EU, Hungary vẫn kiên định với cách tiếp cận của mình, ưu tiên lợi ích quốc gia và ủng hộ sự tham gia của châu Âu vào các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.