Quan hệ EU - Hungary: Leo thang căng thẳng vì vấn đề nhập cư

09:08 - Thứ Năm, 12/09/2024 Lượt xem: 2837 In bài viết

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sử dụng mọi quyền hạn pháp lý có trong tay để ngăn chặn Hungary chuyển người di cư bất hợp pháp đến Brussels (Bỉ). Động thái này có thể coi là bước leo thang nghiêm trọng trong cuộc đối đầu giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hungary về vấn đề di cư bất hợp pháp.

Tấm biển tuyên truyền chống di cư tại một tuyến phố ở Budapest (Hungary). Ảnh: Darko Vojinovic

"Về các thông báo của chính quyền Hungary rằng nước này sẽ vận chuyển những người di cư bất hợp pháp từ biên giới Hungary - Serbia đến Brussels, nói một cách cơ bản, điều đó là không thể chấp nhận được", một phát ngôn viên của EC cho biết hôm 9-9.

Lời đe dọa của Budapest được coi là hành động trả đũa cho khoản tiền phạt 200 triệu euro mà Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) áp dụng cho Hungary khi cho rằng, Budapest đã "vi phạm luật EU " vì những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tị nạn hồi tháng 6-2024, nhưng nước này từ chối nộp khoản tiền nêu trên. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phản ứng dữ dội trước phán quyết này, gọi nó là "vô lý và không thể chấp nhận được". Cuộc "đụng độ" nhanh chóng leo thang khi các thành viên nội các Hungary đe dọa sẽ trả cho những người di cư bất hợp pháp "vé một chiều" từ Hungary đến thủ đô của Bỉ.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hungary Bence Rétvári đã tổ chức một cuộc họp báo và giới thiệu một dãy xe buýt được cho là sẽ sử dụng trong hoạt động này. Việc vận chuyển được cung cấp "tự nguyện" và "miễn phí". Ông Bence Rétvári nói: "Nếu Brussels muốn nhận những người di cư bất hợp pháp, thì có thể tiếp nhận họ. Theo lập trường của EU, nếu những người di cư bất hợp pháp có thể di chuyển tự do trên lãnh thổ Hungary thì họ cũng có thể di chuyển tự do trên lãnh thổ EU. Vì vậy, không có trở ngại nào ngăn cản họ đi trên những chiếc xe này đến Brussels. Đối với chúng tôi, bảo vệ biên giới là ưu tiên hàng đầu". Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hungary cho rằng, EU đã khiến Hungary phải chấp nhận một lượng người xin tị nạn không cân xứng.

Chính phủ chống nhập cư của Hungary đã có lập trường cứng rắn đối với những người di cư vào nước này kể từ lúc hơn 1 triệu người đến châu Âu vào năm 2015, phần lớn trong số họ chạy khỏi cuộc xung đột ở Syria. Budapest đã xây dựng hàng rào được bảo vệ bằng dây thép gai ở biên giới phía Nam với Serbia và Croatia. Từ việc Budapest phải tiếp nhận gần 180.000 đơn xin tị nạn trong “cuộc khủng hoảng di cư” năm 2015, con số này đã giảm đáng kể trong những năm tiếp theo, nhờ vào cơ sở hạ tầng biên giới mà Hungary xây dựng. Tuy nhiên, EU đã phản đối hệ thống tị nạn cứng nhắc của Hungary và yêu cầu ECJ phạt Budapest vì đã buộc những người tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế phải đến đại sứ quán của khối tại Serbia hoặc Ukraine để xin giấy phép đi lại. Điều này đã vi phạm các quy định của EU - yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải có thủ tục chung để cấp tị nạn.

Thủ tướng Viktor Orban, một người luôn bất đồng quan điểm với EU, đã tuyên bố, Hungary sẽ không thay đổi chính sách di cư và tị nạn bất kể phán quyết nào từ Tòa án Công lý châu Âu. Quan điểm công khai của ông Orban về vấn đề này là, EU đã không bảo vệ được chủ quyền của hệ thống tự do đi lại Schengen do không bảo vệ được biên giới bên ngoài. Chính phủ Hungary đã công khai tuyên bố, không tham gia vào các kế hoạch chuyển giao người tị nạn và phát đi thông điệp cho thấy họ nghiêm túc trong việc điều xe chở người xin tị nạn đến trụ sở của EU.

"Hành động này, nếu được thực hiện, sẽ vi phạm luật pháp EU, cũng như vi phạm nguyên tắc hợp tác chân thành và tin tưởng lẫn nhau; đồng thời làm suy yếu an ninh của toàn bộ khu vực Schengen” - Người phát ngôn của EC nêu rõ hôm 9-9. Ủy ban châu Âu đã liên lạc với Budapest để Hungary "kiềm chế", không tiến hành kế hoạch đã công bố.

Theo Bộ luật Biên giới Schengen, EC có quyền đệ trình một đề xuất để đưa ra các hạn chế tạm thời, bao gồm cả nhập cảnh, trên toàn khu vực không cần hộ chiếu. Các quốc gia thành viên cũng có thể đưa ra quyết định đó trên cơ sở đơn phương, như Đức đã làm sau vụ tấn công bằng dao ở thành phố Solingen vào tháng 8. Động thái của Budapest về vấn đề người di cư đang làm dấy lên lo ngại rằng: Khu vực Schengen, một trong những thành tựu của liên minh, có thể sớm ngừng hoạt động, do ảnh hưởng bởi các cuộc kiểm tra biên giới.

Thủ tướng Viktor Orban thường sử dụng các vấn đề mang tính chính trị như tị nạn và di cư để đưa ra lập trường chống lại Brussels. Trong bối cảnh Hungary đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, các nhà phân tích dự đoán ông Viktor Orban sẽ tiếp tục các phản ứng đối lập với EU về vấn đề này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top