Ấn Độ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tuần tra chung: Cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương

09:29 - Thứ Tư, 23/10/2024 Lượt xem: 2418 In bài viết

Ấn Độ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận nối lại tuần tra tại các khu vực biên giới tranh chấp dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở phía Đông Ladakh. Đây được coi là điểm đột phá ngoại giao, khởi đầu cho tiến trình giảm leo thang căng thẳng, mở ra lộ trình cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc đông dân nhất thế giới.

Xe bọc thép của quân đội Ấn Độ tại một căn cứ quân sự phía Đông Ladakh. Ảnh: SCMP

Trung Quốc và Ấn Độ có chung hàng nghìn ki lô mét biên giới chưa xác định dọc theo dãy Himalaya. Một Đường kiểm soát thực tế (LAC) không chính thức đóng vai trò như một đường ngừng bắn lỏng lẻo sau cuộc chiến tranh biên giới ngắn vào năm 1962 và xung đột đã nổ ra trong những năm qua. Trong một cuộc leo thang lớn dọc theo Đường kiểm soát, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ ở thung lũng Galwan vào ngày 15-6-2020. Vụ việc này là cuộc đối đầu chết người đầu tiên trong khu vực kể từ năm 1975, trong đó cả hai bên đều ghi nhận thương vong.

Ngoài Galwan, có ít nhất 4 điểm căng thẳng khác dọc theo LAC - đều là những khu vực có tính chiến lược và đều đã xảy ra đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 1962. Các ý kiến phân tích ở thời điểm đó cho rằng, nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng biên giới và khác biệt nhận thức về LAC là những nguyên nhân dẫn tới đụng độ. Sau sự việc, hai nước đã thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm giảm leo thang giao tranh trong bối cảnh căng thẳng quan hệ song phương không ngừng gia tăng.

Giờ đây, trong bước đột phá quan trọng, Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận tuần tra dọc theo Đường kiểm soát thực tế. Theo Bí thư Đối ngoại của Ấn Độ Vikram Misri, đây là kết quả của nhiều tuần đàm phán ngoại giao và quân sự căng thẳng. Diễn biến mới nhất cũng là thành tựu của nhiều vòng đàm phán quân sự, đã chứng kiến việc hai bên rút quân tại một số điểm nóng khác dọc theo LAC như Pangong Tso hay Gogra. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar cho biết, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc có thể tuần tra khu vực biên giới theo cách họ đã làm trước cuộc đối đầu tháng 5-2020.

Theo giới quan sát, tiếng nói chung về vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đạt được lúc này rất có ý nghĩa. Trước hết, đây là dấu hiệu không bàn cãi của việc hai nước hướng đến giảm leo thang căng thẳng, đặc biệt là ở khu vực tranh chấp, lâu nay chứng kiến việc đồn trú của hàng chục nghìn binh sĩ. Việc phục hồi cơ chế tuần tra của năm 2020 - vốn giãn cách binh lính hai bên cũng được kỳ vọng giảm khả năng xảy ra giao tranh hay căng thẳng leo thang trở lại. Đây cũng là biện pháp xây dựng lòng tin, cho thấy hai bên đều sẵn sàng trở lại hiện trạng biên giới mà họ thấy có thể chấp nhận được trước chuỗi sự cố năm 2020.

Quan trọng hơn, việc ổn định được tình hình dọc theo LAC cũng đồng nghĩa Trung Quốc và Ấn Độ hoàn toàn có thể tính tới việc giảm đối đầu tại các điểm nóng khác như đồng bằng Depsang hay Demchok. Sự ổn định dọc theo LAC đương nhiên tạo ra môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán cởi mở giữa hai nước về các vấn đề biên giới khác, thậm chí mở đường cho các tương tác ngoại giao cấp cao như cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo tại những diễn đàn quốc tế và tăng cường quan hệ song phương bên ngoài các cuộc đối đầu quân sự.

Bản thân mỗi nước đều thấy rõ lợi ích từ việc giảm nhiệt tại LAC. Với Ấn Độ, điều này cho phép New Delhi tự tin phát triển cơ sở hạ tầng biên giới mà không phải lo ngại về những mối đe dọa xung đột cận kề. Với Trung Quốc, việc “bình thường hóa” quan hệ biên giới với Ấn Độ sẽ giảm áp lực chính trị trong bối cảnh Bắc Kinh đang cần dành nhiều tâm trí cho những căng thẳng khác trên toàn cầu.

Mặc dù vậy, kỳ vọng về tương lai vẫn còn khoảng trống khi các điều khoản cụ thể của thỏa thuận chưa được công bố. Các nhà quan sát cho rằng, những thông tin rõ ràng hơn sẽ được nêu ra trong cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tới đây ở Kazan (Nga). Nhiều ý kiến cho rằng, hai nước chỉ có thể chấm dứt căng thẳng nếu hoàn tất ba mục tiêu: Tránh đụng độ, giảm căng thẳng và rút quân. Trong đó, yếu tố thứ ba được nhận định có thể đối mặt nhiều thách thức vì Trung Quốc đã xây dựng một số công trình quân sự gần biên giới Ấn Độ.

Dù thế nào, việc hai nền kinh tế hàng đầu châu Á đặt được viên gạch đầu tiên cho chặng đường dài hạ nhiệt căng thẳng là một tín hiệu vui trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay. Động thái này cũng là minh chứng cho thấy, đàm phán ngoại giao hoàn toàn có thể thay thế tiếng súng trong giải quyết các vấn đề “nóng” trên toàn cầu.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top