Lấp “lỗ hổng” thiếu giáo viên

19:11 - Thứ Hai, 05/09/2022 Lượt xem: 47390 In bài viết

ĐBP - Hôm nay (5/9) hơn 200.000 học sinh các cấp học trong toàn tỉnh rộn ràng bước vào năm học mới 2022 - 2023 theo hình thức trực tiếp. Hai năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy và học ở nhiều địa phương trong tỉnh phải chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc ngắt quãng, giãn cách phòng chống dịch. Đón năm học mới và lễ khai giảng trực tiếp tại trường, gặp thầy cô, bạn bè đã tạo tâm lý hồ hởi cho các em học sinh. Đây cũng là năm học triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở cả ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với các lớp 3, 7, 10. Điều này cũng dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh càng thêm trầm trọng khi bước vào năm học mới toàn tỉnh vẫn thiếu gần 2.500 giáo viên.

Việc thiếu giáo viên các cấp học là trở ngại lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh, nhất là khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, năm học 2022 - 2023, riêng các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật toàn tỉnh thiếu trên 200 giáo viên. Nguyên do bởi môn Âm nhạc và Mỹ thuật trở thành môn học tự chọn đối với học sinh bậc trung học phổ thông; Tin học và Tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3. Trong số 2.466 giáo viên, nhân viên bị thiếu so với định mức có 1.784 giáo viên, 586 nhân viên, 96 cán bộ quản lý.

Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2022 - 2023, bậc trung học phổ thông có thêm hai môn tự chọn là Âm nhạc và Mỹ thuật nên hầu hết các trường đều thiếu giáo viên giảng dạy lĩnh vực này. Thêm vào đó, nhiều giáo viên là người từ các tỉnh miền xuôi dạy học tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã xin nghỉ việc, thôi việc, chuyển công tác. Cụ thể: Năm học 2020 - 2021 toàn tỉnh Điện Biên có 45 giáo viên xin nghỉ việc, thôi việc và năm học 2021 - 2022 có 64 giáo viên xin nghỉ việc, thôi việc. Điều này càng làm khó thêm việc giải “bài toán” thiếu giáo viên của ngành Giáo dục Điện Biên.

Là tỉnh miền núi, đặc biệt khó khăn, việc tuyển dụng giáo viên về giảng dạy tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới đã khó nay áp dụng chương trình mới, cần thêm giáo viên các môn năng khiếu, đặc thù khiến việc sắp xếp, bố trí giáo viên càng khó hơn.

Để lấp “lỗ hổng” thiếu giáo viên, ngành Giáo dục tỉnh nhà đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp. Từ việc rà soát đội ngũ, sắp xếp sử dụng hiệu quả lực lượng giáo viên hiện có đến việc tuyển dụng mới và cử tuyển đào tạo nghiệp vụ sư phạm các môn thiếu giáo viên. Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho thấy, Sở đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch trên cơ sở tình hình thực tế và giáo viên hiện có để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên trước mắt trong năm học này. Các địa phương cũng xây dựng phương án bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp trên cùng địa bàn. Đồng thời khuyến khích giáo viên đi học văn bằng 2 chuyên ngành đang thiếu; tổ chức đào tạo liên thông hoặc văn bằng 2 với sinh viên sư phạm chuyên ngành không phù hợp.

Giải pháp lâu dài hơn là triển khai chế độ cử tuyển. Năm 2021 toàn tỉnh đã có 23 học sinh được cử đi học chế độ cử tuyển chuyên ngành Tiếng Anh và năm 2022 cũng có 68 chỉ tiêu cử tuyển gồm 38 Tiếng Anh, 10 Âm nhạc, 10 Tin học và 10 Mỹ thuật.

Cùng với các giải pháp đã triển khai, trước khi bước vào năm học 2022 - 2023, các trường học trong toàn tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại trường lớp theo hướng giảm số trường, số lớp; tăng học sinh ở mỗi lớp và tăng số lớp ở mỗi trường. Học sinh từ lớp 3 trở lên được đưa về học tại trường trung tâm, không học ở các điểm trường. Qua sắp xếp, năm học này toàn tỉnh có 481 trường (giảm 01 trường ở cấp mầm non), 7.436 lớp với 207.600 học sinh, tăng 60 lớp và 2.974 học sinh.

Hy vọng với các giải pháp tình thế đã triển khai cùng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên các môn còn thiếu để bổ sung lực lượng giáo viên trong những năm tới, Điện Biên sẽ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top