Đua thuyền Việt Nam - ''đãi cát tìm vàng''

08:50 - Chủ Nhật, 04/09/2022 Lượt xem: 8714 In bài viết

Những năm gần đây, trong hệ thống thi đấu quốc gia của bộ môn đua thuyền Việt Nam (gồm hai phân môn: Rowing và canoeing), đã có giải đấu dành cho lứa vận động viên trẻ. Đây là dịp để các vận động viên thi đấu cọ xát, thể hiện tài năng và các nhà tuyển trạch cũng chắt chiu cơ hội "đãi cát tìm vàng", tìm kiếm nhân tố mới bổ sung lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia, hướng tới phát triển bền vững cho bộ môn này.

Các vận động viên tranh tài tại Giải Đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2022. Ảnh: Ngọc Tú

Không thiếu tài năng trẻ

Giải Đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2022 (diễn ra từ ngày 18 đến 30-8) tại Hà Nội, quy tụ 432 vận động viên của 32 đoàn (19 đoàn môn rowing và 27 đoàn môn canoeing) đến từ các tỉnh, thành, ngành trong cả nước, tranh tài ở 24 bộ huy chương môn rowing và 64 bộ huy chương môn canoeing của hai nhóm tuổi.

Theo phụ trách bộ môn đua thuyền (Tổng cục Thể dục - Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Dương Thị Hồng Hạnh, giải đấu năm nay được giới chuyên môn đánh giá thành công cả về chuyên môn và công tác tổ chức, khi có số lượng đoàn và vận động viên tham gia đông nhất từ trước tới nay. Giải đấu được tổ chức làm tăng cơ hội thi đấu cọ xát cho các vận động viên trẻ và các đơn vị cũng có cơ hội đánh giá lại chất lượng đào tạo, chuẩn bị lực lượng cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX diễn ra vào cuối năm nay.

Còn theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường, việc giải vô địch trẻ quốc gia thu hút đông các đoàn tham gia thể hiện hướng đi đúng. Các đội tuyển có vận động viên đạt thành tích tốt đều được chọn lên đội tuyển quốc gia.

Tại giải đấu năm nay, Ban Tổ chức đã phát hiện một số gương mặt vận động viên trẻ xuất sắc, như: Nguyễn Thị Hương (Vĩnh Phúc), Tống Hoàng Nam (Hải Dương), Trần Quốc Việt (Cà Mau), Hoàng Thị Hường (Hải Phòng), Lương Thị Dung (Quảng Ninh) ở môn canoeing; và các vận động viên: Nguyễn Văn Hiếu (Hà Tĩnh), Hồ Thị Duy (Bạc Liêu), Trần Huy Tiệp (Hải Dương), Bùi Thị Thu Hiền (Thái Bình), Trần Thị Thu Hằng (Quảng Trị) ở môn rowing. Các vận động viên đều ở lứa tuổi từ 15 đến 19 tuổi, sẽ là lứa vận động viên kế cận cho đội tuyển đua thuyền quốc gia trong tương lai.

“Nếu chúng ta có thêm nhiều giải đua thuyền được tổ chức chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn cao, tôi tin phong trào tập luyện môn rowing và canoeing sẽ phát triển rộng rãi ở các tỉnh, thành phố, tăng cơ hội phát hiện thêm tài năng trẻ cho các cấp độ đội tuyển đua thuyền quốc gia", ông Nguyễn Hải Đường khẳng định.

Đầu tư bài bản để phát triển đường dài

Theo phụ trách bộ môn đua thuyền (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Dương Thị Hồng Hạnh, trong vòng 2 năm qua, dù gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh, các vận động viên của đội tuyển đua thuyền Việt Nam vẫn đạt được một số thành tích ấn tượng, như: Giành 2 Huy chương vàng tại Giải vô địch đua thuyền rowing châu Á 2021 và giành ngôi Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, với 16 Huy chương vàng. Song, để hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic, đua thuyền Việt Nam cần phải được chuẩn bị tốt hơn về lực lượng, đầu tư lứa vận động viên kế cận cho đội tuyển đua thuyền quốc gia.

Trưởng bộ môn đua thuyền Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, trong những năm qua, Bộ môn Đua thuyền của Hà Nội luôn gặp khó khăn về nguồn tuyển, dẫn đến việc tuyển chọn vận động viên đủ trình độ thi đấu cạnh tranh Huy chương vàng cho đội tuyển bị hạn chế.

“Nhóm vận động viên lớn tuổi có thành tích tốt thì nhiều người xin nghỉ, vì lý do gia đình. Trong khi đó, lứa vận động viên trẻ lại chưa đuổi kịp về thành tích. Bên cạnh đó, hệ thống thi đấu quốc gia chỉ có 1-2 giải trẻ/năm, nên vận động viên ít có cơ hội thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ. Nếu có thêm nhiều giải đấu để các vận động viên trẻ trong cả nước góp mặt tranh tài, chắc chắn sẽ phát hiện thêm nhiều vận động viên có tố chất cho đội tuyển Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia”, ông Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường cho rằng, để đua thuyền Việt Nam phát triển bền vững và hướng tới những mục tiêu cao hơn, Liên đoàn sẽ cùng với bộ môn nỗ lực tìm nguồn kinh phí, tổ chức thêm nhiều giải đấu trong nước cũng như đưa giải đấu quốc tế về Việt Nam, tạo điều kiện tối đa cho các vận động viên trẻ đội tuyển quốc gia góp mặt tranh tài, qua đó rèn luyện, nâng cao bản lĩnh thi đấu. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương trong công tác đào tạo vận động viên trẻ, như thuê chuyên gia, đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, Tổng cục hỗ trợ tối đa cho đội tuyển trẻ rowing và canoeing về điều kiện tập luyện, để có thể nắm bắt cơ hội nếu được dự các giải quốc tế. Cùng với đó, có sự đầu tư trọng điểm cho một số vận động viên tài năng đặc biệt đi tập huấn ở nước ngoài, hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top