Thể thao Việt Nam: Bài toán đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

06:28 - Thứ Hai, 12/02/2024 Lượt xem: 5938 In bài viết

Trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang hướng đến hàng loạt mục tiêu mang tính lâu dài, vượt tầm khu vực thì vấn đề nguồn lực được coi trọng hơn. Chỉ khi giải được bài toán quan trọng này thì mới có thể đưa thể thao Việt Nam phát triển ổn định.

 

Nguồn lực xã hội hóa bên cạnh kinh phí nhà nước giúp đội tuyển bóng chuyền nữ giành nhiều thành tích ấn tượng. Ảnh: Quý Lượng

Kinh phí nhiều, nhưng chưa đủ

Gần đây, Cục Thể dục thể thao (TDTT) xác định lộ trình thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện, đưa ra mục tiêu kèm nhu cầu về kinh phí để phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030. Đích đến quan trọng nhất trong giai đoạn này là tham gia sâu hơn vào những sự kiện lớn như Olympic năm 2024 và 2028; ASIAD năm 2026 và 2030...

Theo lộ trình này, trong giai đoạn 1 từ năm 2024 tới năm 2026 chúng ta xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, chuẩn bị lực lượng cho Olympic năm 2024, SEA Games 2025 và ASIAD năm 2026; đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị thể thao... Kinh phí cần có khoảng 800 - 850 tỷ đồng/năm.

Giai đoạn 2 từ năm 2027 tới năm 2030 thì tập trung triển khai kế hoạch tập huấn, thi đấu; chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic năm 2028, ASIAD năm 2030 và SEA Games năm 2027, năm 2029. Kinh phí cần huy động khoảng 850 - 900 tỷ đồng/năm.

Mục tiêu trong các giai đoạn này là gia tăng số lượng VĐV giành vé trực tiếp dự Olympic (từ 10 - 12 vé dự Olympic Paris 2024; 20 vé trực tiếp tham dự Olympic Los Angeles 2028). Mục tiêu tại ASIAD năm 2026 là giành 5 - 6 HCV, tại ASIAD năm 2030 là 7 - 8 HCV.

Tại đấu trường SEA Games, thể thao Việt Nam vẫn đặt mục tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu.

Cũng theo Cục TDTT, kinh phí dành cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là hơn 686,5 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 710,6 tỷ đồng. Số tiền trên được dùng để tổ chức tập huấn ở trong nước (gồm tiền ăn, tiền công và các chế độ khác - hơn 438 tỷ đồng trong năm 2022 và hơn 433 tỷ đồng năm 2023; định mức trang bị thường xuyên cho VĐV, HLV (hơn 60 tỷ đồng năm 2022, hơn 58 tỷ đồng trong năm 2023)... Kinh phí tổ chức tập huấn, tham dự các giải đấu ở nước ngoài vào khoảng 90 tỷ đồng năm 2022 và 110 tỷ đồng năm 2023. Kinh phí tổ chức các giải thể thao, tập huấn cho trọng tài, hướng dẫn viên là 32 tỷ đồng trong năm 2022 và 39 tỷ đồng năm 2023...

Nhìn vào con số trên, có thể thấy khoản kinh phí rất lớn cần huy động để đáp ứng nhu cầu phát triển của thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, con số này mới dừng ở khoản kinh phí mà Cục TDTT được phân bổ từ ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy còn có nguồn kinh phí khác từ các cá nhân, doanh nghiệp, liên đoàn, hiệp hội thể thao hay các địa phương có VĐV góp mặt ở đội tuyển quốc gia...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thể thao, dù lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nhưng mức kinh phí nói trên không phải là nhiều, nói đúng hơn là chưa đủ. Nếu chỉ trông vào nguồn ngân sách chi cho giai đoạn 2024 - 2030 thì không dễ đạt được kết quả mang tính đột phá.

Chủ động "kiếm tiền"

Những ngày đầu năm 2024, có hai câu chuyện đáng chú ý về công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao.

Chuyện đầu tiên liên quan tới chuyến tập huấn kéo dài 2 tuần tại Indonesia của đội tuyển bắn súng Việt Nam để chuẩn bị cho Giải vô địch bắn súng châu Á. Đây là giải đấu thành công ngoài mong đợi của đội tuyển bắn súng Việt Nam khi giành được 1 HCV, 2 HCB và đặc biệt là tấm vé dự Olympic 2024 của nữ xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền. Nếu không có chuyến tập huấn để VĐV làm quen với điều kiện thời tiết, cơ sở vật chất phục vụ thi đấu ở Indonesia và duy trì phong độ thì chưa chắc đội tuyển đã đạt được thành tích đó. Điều đáng nói là trong chuyến tập huấn này, đội tuyển đã nhận được sự hỗ trợ về kinh phí từ một doanh nghiệp thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào kinh phí nhà nước.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến hành trình giành chuẩn Kiện tướng quốc tế và xa hơn là chuẩn Đại kiện tướng quốc tế của những kỳ thủ trẻ tài năng, như Phạm Trần Gia Phúc (thành phố Hồ Chí Minh, vô địch thế giới năm 2017 ở nội dung cờ chớp lứa tuổi U8); Đầu Khương Duy (Hà Nội, vô địch thế giới năm 2023 nội dung cờ tiêu chuẩn lứa tuổi U12). Cả hai liên tục thi đấu ở nước ngoài bằng tiền của gia đình, doanh nghiệp tài trợ bên cạnh kinh phí của đơn vị chủ quản hay Cục TDTT.

Với Phạm Trần Gia Phúc, ước tính kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế trong năm 2023 lên đến vài trăm triệu đồng. Và, trong thời gian tới, kỳ thủ này cùng với gia đình tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp với danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế. Đương nhiên, nguồn kinh phí từ gia đình và doanh nghiệp tài trợ vẫn đóng vai trò quan trọng trong hành trình sắp tới của Phạm Trần Gia Phúc.

Cả hai câu chuyện nói trên cho thấy tầm quan trọng của nguồn lực xã hội hóa đối với thể thao thành tích cao. Đây cũng là nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng liên quan đến việc tạo nguồn lực cho thể thao thành tích cao từ 3 nguồn, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, xã hội hóa. Trong đó, nguồn xã hội hóa được hiểu là kinh phí từ cá nhân, gia đình VĐV, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, liên đoàn thể thao.

Từng tham gia tổ chức nhiều giải cờ vua, đồng hành với nhiều kỳ thủ trẻ có sự hậu thuẫn từ gia đình, doanh nghiệp, HLV đội tuyển cờ vua Việt Nam Bùi Vinh cho rằng, các bộ môn không thể trông chờ mãi vào nguồn ngân sách, coi đó là giải pháp duy nhất để phát triển thể thao thành tích cao. Không chỉ bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, golf... mà nhiều môn thể thao khác, trong đó có cờ vua, cũng có thể huy động được nguồn kinh phí từ xã hội để đầu tư cho VĐV.

Không chỉ là tạo nguồn kinh phí, việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm - nhất là khi sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách - là rất quan trọng. Trong vài năm qua, kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế đã được một số bộ môn của Cục TDTT dồn vào cho một số VĐV trọng điểm nhằm giành huy chương ASIAD cũng như giành vé dự Olympic song mức độ còn thua xa so với nhiều nước khác. Việc chi tiền ngân sách - vốn đã eo hẹp - cho đấu trường SEA Games với số lượng VĐV quá đông, tham gia thi đấu ở hầu hết các môn, trong đó có nhiều môn không nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, cũng phần nào ảnh hưởng đến việc đầu tư cho các VĐV trọng điểm dành cho mục tiêu ASIAD hay Olympic.

Trong trao đổi gần đây, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh nhận định rằng, với nguồn kinh phí từ ngân sách, tốt nhất là dành để đầu tư cho nhóm VĐV trọng điểm từ tập huấn, thi đấu quốc tế đến chế độ dinh dưỡng, phục hồi và tâm lý.

Về lý thuyết là như vậy nhưng quan trọng là cách tiếp cận các sự kiện lớn của thể thao Việt Nam, từ đó đặt ra mức đầu tư phù hợp cho từng bộ môn dựa trên khả năng tranh chấp huy chương ASIAD hay vé dự Olympic của bộ môn đó.

Rõ ràng, ngoài việc tăng ngân sách cho thể thao thì cần có sự chủ động tiếp cận, thu hút nguồn lực xã hội hóa cũng như tự kiếm tiền từ các hoạt động kinh tế thể thao để tránh tình trạng "giật gấu vá vai" khi chỉ trông chờ vào ngân sách hơn 800 tỷ đồng mỗi năm từ Nhà nước. Nếu không, thể thao Việt Nam sẽ khó có được thành tích ổn định ở tầm châu lục hay thế giới như mục tiêu mà ngành Thể thao đã đặt ra.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top