Tản văn
ĐBP - Qua tết Nguyên đán, nắng xuân ấm dần lên khiến bầu trời ngày một sáng trong hơn và muôn loài cỏ cây đua nhau đâm chồi nảy lộc. Người dân quê tôi náo nức bước vào mùa lễ hội, trong đó có hội tòng quân.
Hội tòng quân là ngày vui của tất thảy trẻ già, trai gái trong làng; trong đó được quan tâm nhất là những chàng trai mười tám, đôi mươi, vừa được chọn lựa qua đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự từ cuối năm trước. Càng gần đến ngày lên đường, tâm trạng những chàng tân binh chúng tôi càng náo nức, mừng vui chộn rộn. Muốn được đi thăm và ngắm nhìn gương mặt thân quen của những người láng giềng và bè bạn, muốn tìm lại hình ảnh gần gũi của con đường làng, dòng sông quê, bờ đê lộng gió hay cánh đồng thẳng cánh cò bay… đã gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ. Những tình cảm và hình ảnh của quê hương luôn là hành trang mà người lính mang theo trên những dặm đường Tổ quốc…
Trước ngày lên đường, chúng tôi được gặp mặt ở ủy ban, có sự hiện diện của tất cả các cơ quan đoàn thể địa phương và đại diện của đơn vị nhận quân. Buổi gặp mặt diễn ra thật thân tình, cởi mở nhưng cũng rất nghiêm trang. Ngoài được nhận những lời động viên, chúng tôi còn được nghe kể về truyền thống đấu tranh giữ nước của lớp lớp cha anh và nghe giới thiệu về lịch sử cùng những thành tích của đơn vị mà chúng tôi được nhập ngũ. Sau đó, những cuộc gặp gỡ còn được tổ chức ở các thôn xóm và trong từng dòng họ. Đêm hôm ấy, làng xóm thức muộn hơn và thức muộn hơn cả là những đôi bạn trẻ, bởi ngày mai họ phải tạm xa nhau…
Sáng hôm sau, mọi người trong nhà dậy từ rất sớm. Mẹ tôi xuống bếp đồ chõ xôi gấc, rồi đơm vào đĩa, đặt lên bàn thờ. Cha thắp hương rồi gọi tôi ra để vái lạy trước bàn thờ tiên tổ. Rồi bên ấm nước chè, cuộc trò chuyện của hai cha con - những người lính của hai thế hệ, diễn ra thật trang trọng, thiêng liêng và xúc động. Lời nói và ánh mắt của cha thật gần gũi, ấm áp mà kiên nghị. Cha nhiều lần nhắc nhủ tôi phải biết giữ gìn truyền thống của quê hương và gia đình, để xứng đáng với cha anh đi trước…
Ngày hội tòng quân của cả làng được bắt đầu từ rất sớm. Lễ giao và nhận tân binh diễn ra ở sân bãi giữa làng, người đông nghịt, tràn ngập hoa tươi và băng rôn, cờ đỏ. Lúc này, chúng tôi trở lên chững chạc và bảnh bao hơn trong bộ quân phục mới tinh với đôi quân hàm đỏ chói trên ve áo và vòng lá nguỵ trang rung rinh cài bên chiếc ba lô đeo trên lưng. Trong những chiếc ba lô ấy bao giờ cũng có nắm xôi nếp của mẹ, cuốn sổ lưu bút và những con tem bưu điện của bạn bè trao tặng hay chiếc khăn tay ướp hoa bưởi của cô gái láng giềng. Đoàn xe quân sự xếp hàng đợi sẵn trên đường, hai bên cắm quốc kì và quân kì đỏ tươi, tung bay phần phật trước gió. Đã đến giờ lên đường, chúng tôi hồi hộp và phấn chấn nghe đọc đến tên mình. Cha vỗ nhẹ vào vai tôi rồi khẽ đẩy tôi lên phía trước, kèm với ánh mắt khích lệ, đầy tin tưởng. Thoáng gặp những giọt nước mắt thầm trong vành nón nghiêng che của những mẹ, những em gái lặng lẽ dõi trông theo đoàn xe đang hướng về biên giới xa xôi…
Những người lính trẻ lên đường, mang theo niềm vui ngày hội tòng quân khi mùa xuân đã dâng tràn trên mọi nẻo. Người ở hậu phương trở về chăm việc cấy cày cho chúng tôi càng thêm vững chắc tay súng canh giữ những mùa xuân…