Người con đa tài của dân tộc Thái

08:44 - Thứ Năm, 13/10/2022 Lượt xem: 7202 In bài viết

ĐBP - Là người con đa tài của dân tộc Thái, Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Phớ, bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ vừa có thể chơi nhạc cụ truyền thống, vừa nắm giữ và thể hiện nhiều bài hát dân gian của dân tộc mình. Cùng với bao nghệ nhân khác, ông Phớ đã và đang ra sức cống hiến, đóng góp vào công cuộc giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để lưu giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Phớ biểu diễn tiết mục dân gian của đồng bào dân tộc Thái.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang ở trung tâm bản Him Lam 2, ông Phớ có vẻ ngoài trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi gần “thất thập”. Có lẽ bởi tình yêu với văn hóa, văn nghệ khiến cho ông luôn trẻ trung, yêu đời và có được một sức sống mãnh liệt. Điều khiến chúng tôi càng thêm kiên định vào cảm nhận đó là ngay tại phòng khách, ở cửa sổ gần bàn uống nước, ông Phớ trang trọng treo những nhạc cụ đã đồng hành với ông trên chặng đường đời...

Rót cho chúng tôi chén trà nóng hổi, ông Phớ hào hứng kể về cơ duyên đến với âm nhạc dân tộc của mình. Chẳng là trong gia đình ông có người bác và người chú biết thổi khèn, thổi pí nên ngay từ khi 10 tuổi, những làn điệu êm ái ấy đã thu hút cậu bé Lò Văn Phớ. Rồi từ chỗ tò mò, thích thú, tiếng pí thấm dần vào trong máu của ông, trở thành bản năng như hơi thở… Năm 13 tuổi, ông lại đắm chìm vào các bài hát dân gian khi học thuộc tác phẩm và dần dần có thể diễn xướng được một cách thuần thục. Cứ thế, ông Phớ lớn lên bằng những làn điệu âm nhạc đắm say đó. Đến tuổi hẹn hò, ông lại hòa mình cùng trai, gái bản trong những đêm trăng sáng thổi pí, hát giao duyên...

Hơn 50 năm gắn bó với tình yêu âm nhạc truyền thống, đến nay, cũng ít người ở tỉnh Điện Biên có thể làm được như ông. Không chỉ chơi được đàn tính, kéo đàn nhị, thổi được pí, đàn môi, ông còn có thể hát giao duyên Hạn Khuống không kém những ngày còn thanh xuân. Chưa hết, ông có thể vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn cho chương trình văn nghệ, cả vào vai diễn chính cũng được ông thể hiện bằng tình yêu say mê hiếm có. Chẳng thế mà các chương trình, hội diễn đều có ông góp mặt. Ông Phớ kể: “Mỗi lần được đi diễn cùng các đoàn là một lần tôi thấy mình như trẻ lại, truyền thêm cảm hứng, thêm tình yêu với âm nhạc dân tộc. Như cái lần đi Liên hoan Cồng chiêng ở Gia Lai, cả tập luyện, đi tham gia chương trình là hơn 20 ngày. Về đến nhà thì ruộng của bà con trong bản đã trồng cấy hết rồi, còn trơ lại mỗi ruộng nhà mình chưa làm gì. Mà trong khi đi diễn như thế kinh phí hỗ trợ cũng chẳng có là bao...”.

Mới đây, ông Phớ còn là người quan trọng trong việc phục dựng diễn xướng Hạn Khuống ngay tại bản Him Lam 2 nơi ông sinh sống. Theo ông Phớ, Hạn Khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 11 hàng năm (sau mùa thu hoạch). Đây là khoảng thời gian thư thái nhất trong năm khi thóc đã về bồ, thì thanh niên trai gái Thái mới lên sàn Hạn Khuống hát giao duyên. Hạn Khuống còn là một tác phẩm văn học, gồm các khúc giao duyên viết dưới dạng thể thơ vần sinh động, diễn tả cảnh lên Hạn Khuống về ban đêm cô gái Thái từ khi ánh lửa bập bùng đầu buổi tối cho đến gà gáy sang canh... Chính vì vậy, Hạn Khuống để lại biết bao kỷ niệm về một thời trẻ trung sôi nổi. Nhờ có sinh hoạt Hạn Khuống, nhiều đôi trai gái kết duyên vợ chồng. Không chỉ tham gia phục dựng, ông còn trực tiếp đứng lớp truyền dạy, gần đây nhất là cho 12 học viên tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ...

Khi được hỏi về những người mình truyền dạy, ông Phớ thoáng chút trầm tư rồi lắc đầu bảo không nhớ nữa. Bởi từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã truyền lại đam mê của mình cho nhiều người khác, riêng ở bản Him Lam 2 nơi ông sinh sống cũng đã là mấy chục người rồi. Thế nhưng, đây lại là vấn đề khiến ông trăn trở nhất. Trong cuộc sống hiện đại, trước sự phát triển và giao thoa cũng như sự du nhập của nhiều luồng văn hóa, lớp trẻ hiện nay không còn mặn mà tiếp thu học hỏi, cũng như phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Ông Phớ suy tư: Bây giờ truyền dạy khó lắm! Các nhạc cụ dân tộc như thế này ít người sử dụng. Thế nên người học phải có hứng thú, có đam mê thì mới truyền dạy được. Mà đã có tình yêu với nhạc cụ dân tộc như thế thì họ sẽ tự tìm đến mình mà học chứ chẳng cần phải mở lớp hay mời họ đến làm gì. Trong khi học những điều này cũng cần rất nhiều thời gian, không chỉ hướng dẫn một vài ngày, tập luyện một vài tháng mà đã có thể thổi pí hay, đánh đàn giỏi được. Như bản thân ông, học thổi pí từ năm 10 tuổi nhưng phải đến năm 18 tuổi mới gọi là thành tục, nhuần nhuyễn...”.

Nghe những chia sẻ của ông Phớ, chúng tôi cũng thoáng chút buồn. Bởi ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, điều kiện sống cũng như môi trường sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng có những thay đổi, âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số đang gặp phải những khó khăn, thách thức và đứng trước nguy cơ mai một. Các nghệ nhân và lớp người cao tuổi như ông Phớ đã và đang nỗ lực hết sức mình để giữ gìn và truyền dạy âm nhạc truyền thống dân tộc Thái cho thế hệ ngày nay để chúng không bị mai một, lãng quên. Thế nhưng “một bàn tay làm sao có thể vỗ thành tiếng”?!

Trước lúc ra về, chúng tôi gửi lời chúc mừng ông Phớ khi mới được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Nhắc tới chuyện này, ông Phớ ngay lập tức vui trở lại. Bởi lẽ, đây chính là động lực để ông tiếp tục phấn đấu, giữ gìn lời ca, tiếng nhạc truyền thống dân tộc mình. Ông Phớ cười hóm hỉnh: “Bây giờ già rồi, răng cũng đã rụng. Nhưng mình vẫn hát hay mà. Chỉ sợ bây giờ thiếu răng phát âm không tròn tiếng, ca từ phát âm không còn chuẩn như thời trẻ nữa thôi. Còn sức khỏe mình tốt, bà con còn yêu cầu, yêu mến thì mình còn cống hiến cho âm nhạc dân gian của đồng bào Thái...”.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top