Góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc

08:57 - Thứ Năm, 13/04/2023 Lượt xem: 5509 In bài viết

ĐBP - Ông Lý A Lệnh ở bản Chan 2, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng được biết đến là một trong những nghệ nhân ưu tú đa tài. Không chỉ đam mê, am hiểu khèn Mông, ông còn là người thành thục diễn xướng sáo Mông, đàn môi và chế tác khèn nổi tiếng ở vùng vùng Mường Ảng. Nhiều năm qua, ông đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn nhạc cụ quý này bằng cách chế tác, biểu diễn, nhất là truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Lý A Lệnh chế tác đạo cụ khèn Mông.

Ông Lệnh cho biết, với người Mông, cây khèn, cây sáo không chỉ là nhạc cụ truyền thống độc đáo, mà còn là vật thiêng. Từ lúc sinh ra cho đến khi về với tổ tiên, âm thanh của những nhạc cụ này luôn có mặt. Đó là tiếng nói của tâm hồn, phương tiện kết nối cộng đồng. Khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ và cũng là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, hướng con người đến những khát vọng thuần hậu, vươn lên trước những khó khăn của cuộc sống.

Với những đóng góp cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mông, tháng 7/2019, ông Lý A Lệnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian. “Được Nhà nước ghi nhận, giúp tôi có thêm động lực để cùng những nghệ nhân khác tích cực gìn giữ, bảo tồn và truyền bá nét đẹp văn hóa dân tộc Mông cho thế hệ sau” -  nghệ nhân Lý A Lệnh chia sẻ.

Nghệ nhân Vàng Văn Thức ở bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay cũng là một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Ông có thể làm thành thạo các lễ Then giải hạn, Then cấp sắc, lễ gọi hồn, lễ tạ ơn... Không chỉ là người có khả năng thực hành nghi thức Then, bằng tài năng thẩm âm và tình yêu đặc biệt đối với văn hóa dân tộc Thái trắng, ông Thức còn học tập, nghiên cứu và chế tác thành công cây đàn tính tẩu có hình dáng đẹp, âm sắc đạt chuẩn dựa trên kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính, hóa tính và vật lý âm thanh. Bản thân ông có khả năng đệm đàn tính tẩu và hát nhiều bài Then cổ. Chưa dừng lại ở đó, ngoài hát và truyền dạy Then, ông Vàng Văn Thức còn cùng nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ khác tham gia thực hành Then để xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam”. Đến nay, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm gần đây, khi Lễ hội Đua thuyền đuôi én ở TX. Mường Lay được khôi phục, nghệ nhân Vàng Văn Thức cũng luôn được tin tưởng, mời để thực hiện lễ “Tế ta” - tế thần sông nước. Ông cho biết, cuộc sống của người Thái trắng ở Mường Lay vốn gắn liền với nước nên từ xa xưa, người dân ở đây đã ý thức được tầm quan trọng của nước. Bởi thế, tục cúng tế thần sông nước vào mỗi dịp đầu xuân năm mới hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, như lời cảm tạ chân thành tới các vị thần sông đã che chở, bao bọc; đồng thời cầu xin các vị thần cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm êm, no đủ.

Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú về các loại hình di sản văn hoá. Mặc dù vậy, nhiều năm trước, việc phát huy các giá trị này đã gặp không ít khó khăn. Phần do thiếu nguồn kinh phí, việc đầu tư, bảo tồn và phát huy hiệu quả văn hóa truyền thống các dân tộc chưa toàn diện, mới tập trung khôi phục các lễ hội tiêu biểu của một số dân tộc; nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê, nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả; một số làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống của các dân tộc có nguy cơ mai một; các hoạt động trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tuy đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng đủ nguồn lực...

Trước thực trạng đó, việc người dân tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương (biểu diễn văn nghệ, chế tác đạo cụ phục vụ văn hoá, văn nghệ; thêu may trang phục; thực hành các nghi thức văn hoá dân gian...), không chỉ giúp người dân thêm hiểu, yêu quý văn hóa của dân tộc mình mà còn giúp cho du khách khi tới tham quan, gặp gỡ có thêm cơ hội tìm hiểu và khám phá văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc; từ đó các giá trị văn hoá của tỉnh nhà ngày càng được gìn giữ, phát huy.

Để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc, nhất là khơi gợi tinh thần, trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ, mới đây, HĐND tỉnh đã thành lập đoàn công tác tổ chức khảo sát về cơ cấu tổ chức và hoạt động của đội văn nghệ quần chúng tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi tiếp xúc, các tổ, đội văn nghệ quần chúng nêu những khó khăn, hạn chế; đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả. Cụ thể như, kiến nghị thành lập thêm đội văn nghệ, cần có thêm chính sách hỗ trợ hoạt động và kinh phí hỗ trợ đội văn nghệ quần chúng, gồm: Mua sắm trang thiết bị, đạo cụ, biên đạo, dàn dựng chương trình; tỉnh cũng cần quan tâm tổ chức mở các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng cho các đội văn nghệ... Lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) đã tiếp thu các đề xuất của người dân để phục vụ công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết về “Quy định kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Điện Biên” trong thời gian tới.

Trước đó, nhằm phát huy kết quả đạt được của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết được ban hành là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành và nhân dân gìn giữ nét đẹp văn hoá các dân tộc trong tỉnh.

Quang Long
Bình luận
Back To Top