Bác sĩ của những hiện vật

11:04 - Thứ Tư, 20/09/2023 Lượt xem: 7347 In bài viết

Với 10 nhân viên phụ trách công tác bảo quản cho khoảng 200.000 hiện vật, tài liệu văn hóa lịch sử, song những năm qua, Phòng Bảo quản (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giúp công chúng có cơ hội học tập, tiếp cận và nghiên cứu những di sản văn hóa của dân tộc.

“Hồi sức, cấp cứu” cho hiện vật

Đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sát giờ nghỉ trưa, tôi thấy anh Lê Hoài Anh, cán bộ Phòng Bảo quản đang cùng anh em trị liệu cho hai khẩu súng thần công bị hoen gỉ. Dù thời tiết oi bức, ngột ngạt hòa cùng mùi nồng nặc của hóa chất, họ vẫn miệt mài làm việc để bảo đảm tiến độ. 

Mỗi khẩu súng thần công nặng khoảng 600kg nên việc di chuyển hiện vật cũng là một vấn đề. Nhằm kéo dài tuổi thọ cho súng thần công, suốt một tháng qua, nhóm của anh Lê Hoài Anh tỉ mỉ dùng thiết bị chuyên dùng loại bỏ những lớp hoen gỉ và những chất gây hại, làm sạch hiện vật, dùng hóa chất ức chế làm chậm quá trình ăn mòn. Anh Lê Hoài Anh chia sẻ: “Đặc thù của súng thần công là to và nặng nên chúng tôi không thể tiến hành bảo quản trong phòng máy lạnh. Làm việc dưới thời tiết oi bức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng anh em vẫn kiên trì vì yêu nghề. Dưới tác động của thời gian, bên trong nòng súng có bụi đất bám bẩn nên đòi hỏi nhân viên phải tận tâm”.

Anh Lê Hoài Anh (bên phải) cùng đồng nghiệp bảo quản hiện vật súng thần công. 

Ảnh hưởng của thời gian cùng điều kiện thời tiết bất thường, không gian lưu trữ ngày càng thiếu khiến ngay cả những hiện vật bằng kim loại cũng bị hư hại chứ chưa nói đến các tài liệu. Đến phòng “cấp cứu” hiện vật, chúng tôi thấy nhân viên Nguyễn Thị Lan cùng đồng nghiệp đang trị liệu cho 14 bức tranh thờ của người Dao. Gọi là phòng "cấp cứu" bởi hiện vật được đưa vào đây đều trong tình trạng nguy cấp và nếu không tiến hành nhanh các bước trị liệu cần thiết thì tài liệu có nguy cơ không thể phục hồi.

Bộ tranh thờ của người Dao mới được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sưu tầm. Quá trình sử dụng trong dân gian khiến nhiều bức tranh bị nhàu, rách, giấy bị mủn, mốc, bay màu... Chị Nguyễn Thị Lan cho biết: “Quy trình trị liệu hiện vật bằng giấy có 11 bước, nhưng mỗi bức tranh đều có những cách trị liệu khác nhau. Chúng tôi đã trị liệu bộ tranh trong 5 tháng nhưng đến nay vẫn còn 4 bức chưa làm xong. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, bởi một chút sơ sểnh là có thể tác động gây hại đến hiện vật”.

Làm không hết việc

Theo chị Nguyễn Thị Lan, những hiện vật cần trị liệu đều đang trong tình trạng nguy kịch. Trong công tác bảo quản hiện vật, quan trọng nhất là khâu phòng ngừa. Nếu phòng ngừa tốt sẽ kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, đồng thời giảm khối lượng công việc, áp lực lên nhân viên bảo quản. Gắn bó với Phòng Bảo quản 18 năm nay, công việc hằng ngày của chị Nguyễn Thị Lan là kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm môi trường, vận hành hút ẩm tại các khu vực kho phòng bảo quản hiện vật (2 đến 3 lần/ngày); tham gia trị liệu những hiện vật đang nguy cấp; hoàn thiện hồ sơ về hiện vật sau khi được phục hồi...

Công việc lặp đi lặp lại hằng ngày có khiến chị nhàm chán? Tôi hỏi nhân viên Nguyễn Thị Lan và nhận được câu trả lời: “Kể từ khi Phòng Bảo quản được thành lập (năm 1995) đến nay, có nhiều cán bộ, nhân viên đã đến và đi. Những người ở lại đều rất tâm huyết và vun đắp được tình yêu với nghề. Tôi tâm đắc câu nói của một đồng nghiệp: Em cảm thấy hạnh phúc khi mỗi lần tham gia trị liệu, giúp hiện vật có một diện mạo, sức sống mới so với phiên bản hư hại". 

Đặc thù công việc bảo quản hiện vật không thể làm trực tuyến nên thời gian mỗi cán bộ, nhân viên gắn bó với cơ quan còn nhiều hơn ở nhà. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Nguyễn Thị Hương Thơm, Trưởng phòng Bảo quản, cho biết: “Phòng có 10 nhân viên phụ trách công tác bảo quản cho khoảng 200.000 hiện vật, tài liệu nên mọi người làm không hết việc. Công tác bảo quản hiện vật, đặc biệt là bảo quản phòng ngừa, là công việc bắt buộc, cần phải được tiến hành thường xuyên và liên tục nên mọi người thường không có ngày nghỉ, kể cả ngày lễ, tết”.

Nhìn hai khẩu súng thần công và các bức tranh thờ của người Dao sau khi được trị liệu tràn đầy sức sống, tôi càng thêm khâm phục tay nghề cùng sự tâm huyết của các cán bộ, nhân viên Phòng Bảo quản-Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top