Đồng bào Tà Ôi giữ nghề dệt zèng

14:56 - Thứ Tư, 20/09/2023 Lượt xem: 6763 In bài viết

Nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi trên địa bàn xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có từ rất lâu, được truyền qua nhiều thế hệ. Dệt zèng đã trở thành nghề không thể thiếu nhằm phục vụ cuộc sống sinh hoạt cũng như đem lại thu nhập cho bà con nơi đây.

Nhà chị Hồ Thị Nam ở thôn A Đớt, xã Lâm Đớt có 3 thế hệ biết dệt zèng. Tận mắt chứng kiến quá trình dệt, đính cườm lên zèng với đủ kiểu hoa văn đẹp mắt, chúng tôi không khỏi trầm trồ khen ngợi. Vừa hướng dẫn con gái dệt zèng, chị Hồ Thị Nam vừa nói: “Tôi làm nghề dệt zèng lúc mới 10 tuổi, nay đã gần 30 năm rồi. Để làm được một tấm zèng mất khá nhiều thời gian, chúng tôi thường tranh thủ làm sau công việc ở nương rẫy. Nhất là vào mùa mưa, lạnh giá, các khung dệt được bày ra khắp nhà, người già, người trẻ đều tham gia dệt zèng”.

Chị Hồ Thị Ngợp, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lâm Đớt cùng gia đình dệt zèng.

Sản phẩm từ zèng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày, được đồng bào coi trọng. Trên sản phẩm zèng thường là những hình ảnh về cuộc sống, bao gồm 3 loại hình chủ yếu là hình tháp, hình thoi và hình đường thẳng, với hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới xung quanh.

Trong nghề dệt zèng, vai trò của người mẹ rất quan trọng, bởi khi người con gái lớn lên đều phải biết dệt những tấm zèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Ngợp, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lâm Đớt cho biết: “Con gái cưới chồng, khi về nhà chồng phải mang theo zèng như của hồi môn. Tùy theo hoàn cảnh mà mỗi gia đình quy định số zèng mang theo khác nhau. Nhà nghèo thì tầm 20-30 tấm zèng, nhà giàu có thể lên đến 100 tấm zèng được nhà gái đưa đến cho nhà trai trong ngày cưới. Đổi lại nhà trai sẽ mang lợn, trâu, bò đến cho nhà gái, số lượng lợn, trâu, bò cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình nhà trai”.

Trước đây, người Tà Ôi còn giữ được gần như nguyên vẹn các loại nguyên liệu, công cụ kỹ thuật và quy trình sản xuất zèng truyền thống. Nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm này thường là những cây bông được đồng bào trồng trên rẫy, trải qua nhiều công đoạn như: Thu hoạch, phơi, tách, bật bông, cán, vấn, xe, giăng rồi kéo thành sợi... Khi đã có sợi vải, người dân nhuộm màu bằng những loại lá, vỏ, củ, rễ cây khai thác từ núi rừng. Gam màu chủ yếu là đen, đỏ và trắng, sau đó phơi khô rồi cuộn lại thành búp và tiến hành dệt. Tấm zèng được dùng để may quần áo, làm ví, túi xách, thảm...

Theo đồng chí Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, ở một số thôn, bản, trên 90% hộ dân tham gia dệt zèng. Giá sản phẩm từ 500 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/tấm loại thường và từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/tấm loại đính cườm đẹp. Nghề dệt zèng của đồng bào vừa phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, vừa giúp bà con có việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây.

Năm 2015, lần đầu tiên dệt zèng A Lưới được giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế tại Festival nghề truyền thống ở TP Huế. Nét độc đáo từ thổ cẩm zèng của người Tà Ôi đã thu hút sự quan tâm của khách gần xa. Phát huy giá trị nghề truyền thống, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương quan tâm bảo tồn, giữ gìn nghề dệt zèng. Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 92 (Quân khu 4) tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh địa phương trân trọng nghề dệt zèng, mặc trang phục bằng vải zèng vào các ngày lễ, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, góp phần bảo tồn nghề dệt zèng truyền thống của người Tà Ôi.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top