Cộng đồng - người bảo vệ “dòng chảy văn hóa” của dân tộc:

Đề cao vai trò và tiếng nói của chủ thể di sản

16:15 - Thứ Ba, 09/01/2024 Lượt xem: 3775 In bài viết

Năm 2003, Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua (gọi tắt là Công ước 2003). Mặc dù được nhận diện và ra đời muộn hơn so với di sản văn hóa vật thể và di sản thiên nhiên, nhưng di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đã nhanh chóng khẳng định tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của mình. Và, nói về loại hình di sản này, không thể không nhắc tới vai trò của cộng đồng.

Hát Xoan (Phú Thọ) là di sản duy nhất được UNESCO chuyển từ DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp sang danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Ảnh: Phương An

Công ước 2003 và các giá trị

Năm 2001, Luật Di sản văn hóa Việt Nam ra đời, dành hẳn 1 trong tổng số 6 chương cho DSVHPVT. Nhiều năm trước đó, loại hình di sản này chưa được nhận diện, ngay cả trong Công ước năm 1972 của UNESCO cũng không đề cập. Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đưa nội dung về DSVHPVT vào luật. Ngày 5-9-2005, Việt Nam chính thức trở thành 1 trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003. Đồng thời, với Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001 và những chính sách về văn hóa trước đó, Việt Nam đã thuyết phục được các quốc gia thành viên để trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVHPVT nhiệm kỳ đầu tiên (2006 - 2010), qua đó xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực DSVHPVT.

Công ước 2003 của UNESCO là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng về lĩnh vực DSVHPVT đối với các quốc gia thành viên. Công ước quy định nhiều nội dung như xác định các biểu hiện của DSVHPVT, phân loại DSVHPVT; vai trò, sự tham gia của cộng đồng chủ thể và các quốc gia vào hoạt động bảo vệ DSVHPVT, kiểm kê DSVHPVT, các danh sách và việc ghi danh di sản vào danh sách bảo vệ DSVHPVT ở cấp quốc gia và quốc tế...

Đánh giá việc Việt Nam tham gia Công ước 2003 và luật hóa công tác bảo vệ DSVHPVT trong Luật Di sản văn hóa năm 2001, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nông Quốc Thành cho rằng: Các nội dung về DSVHPVT quy định trong Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, làm cân bằng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phù hợp với tinh thần, quy định của Công ước 2003, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ DSVHPVT, tạo bức tranh chung về sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

Tác động của Công ước đối với di sản

Tính đến nay, qua công tác kiểm kê, Việt Nam đã nhận diện gần 70.000 DSVHPVT trên cả nước, trong đó có 534 DSVHPVT được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các danh sách (gồm 13 DSVHPVT đại diện của nhân loại và 2 DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố; có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân Nhân dân và 1.750 Nghệ nhân Ưu tú. Nếu không được nhận diện kịp thời và có các quy định bảo vệ phù hợp, nhiều DSVHPVT có thể đã bị mai một hoặc biến mất theo sự phát triển và những biến động lịch sử.

Ca trù được UNESCO ghi danh là DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp.

Còn nhớ, năm 2003, Nhã nhạc Cung đình Huế - di sản đầu tiên trên cả nước được UNESCO ghi danh là Kiệt tác DSVHPVT và truyền khẩu của nhân loại, loại hình này không được nhiều người biết tới do bị mai một từ cuối thế kỷ XIX. Trước đó, Quần thể di tích Cố đô Huế cũng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (năm 1993). Như vậy, Huế là địa phương đầu tiên trên cả nước có tới hai di sản văn hóa được UNESCO công nhận, điều đó tiếp thêm động lực cho các địa phương mạnh dạn đưa di sản ra “ánh sáng”. Việt Nam đã có 15 DSVHPVT được UNESCO ghi danh, gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005); Dân ca quan họ Bắc Ninh (2009); Nghệ thuật ca trù (2009); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010); Nghệ thuật hát Xoan (2011, 2017); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012)..., và gần đây nhất là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022). Việc ghi danh không chỉ góp phần nhận diện giá trị văn hóa của di sản, mà còn khơi lên lòng tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT tại các địa phương, đặc biệt với cộng đồng nắm giữ di sản.

Việc ghi danh DSVHPVT vào các danh sách theo quy định của các Công ước UNESCO hay Luật Di sản văn hóa của Việt Nam đều nhằm mục đích chung là đảm bảo sự tồn tại bền vững của di sản mà nhờ đó, nhiều di sản đã được bảo vệ kịp thời. Như di sản hát Xoan của Phú Thọ, nhờ có những chương trình, kế hoạch hành động phù hợp nên sau 6 năm (2011 - 2017) đã thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Lại có những di sản từ “bóng tối” bước ra "ánh sáng" như Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Việc ghi danh đã giúp di sản này thoát khỏi định kiến là hiện tượng mê tín dị đoan, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa các cộng đồng, bản hội, những người thực hành thờ Mẫu ở Việt Nam và trên thế giới; góp phần tôn trọng sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cách hiểu không đúng về việc ghi danh đã có tác động tiêu cực đến di sản. Đó là hiện tượng “tự hào thái quá” về di sản của cộng đồng và chính quyền địa phương có di sản, dẫn đến nhận thức và hành động sai lầm như “hoành tráng hóa”, “sân khấu hóa”, “hành chính hóa”, “thương mại hóa” di sản để trục lợi, khai thác di sản thái quá nhằm phục vụ mục đích kinh tế... Chắc hẳn nhiều người chưa quên hình ảnh 3.500 liền anh liền chị cùng “đồng ca” quan họ tại hội Lim (năm 2012), 5.000 nghệ nhân và người dân cùng múa xòe Thái tại Yên Bái năm 2019, trình diễn hầu đồng tại phố đi bộ, hay việc tổ chức diễn xướng hội Gióng tại đền Phù Đổng hằng tháng nhằm phục vụ khách du lịch... Đó là những việc làm đi ngược với tinh thần của Công ước 2003 về bảo vệ sự đa dạng văn hóa, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng. Trong văn hóa, đặc biệt là DSVHPVT không nên có sự so sánh, xếp hạng giữa các cộng đồng. Những hành động như trên có thể làm biến dạng di sản hay không gian thực hành di sản - điều tối kỵ trong công tác bảo vệ DSVHPVT.

Hiện nay, ở nhiều nơi đang có sự hiểu nhầm về tính chất của việc ghi danh di sản. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ bộ môn Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội), đôi khi sự ghi danh được đánh đồng với xếp hạng, đẳng cấp, dẫn đến cách hiểu sai rằng ghi danh cấp quốc tế cao hơn cấp quốc gia, cấp quốc gia cao hơn cấp tỉnh... Cách hiểu chưa đúng này có thể dẫn đến sự ganh đua giữa nơi này với nơi khác, thúc đẩy quá trình "di sản hóa", tức là di sản ngày càng bị can thiệp bởi "người ngoài". Trong khi đó, sự ghi danh theo các quy định pháp luật và Công ước 2003 có mục đích chính là bảo vệ tầm nhìn và sức sống của DSVHPVT. Quan trọng hơn là bảo vệ di sản và nâng cao ý thức của cộng đồng về tài sản cha ông trao truyền lại. Điều mà cộng đồng được hưởng lợi chính là “tài sản” vô giá không thể đo đếm hay nhìn thấy được.

Đề cao vai trò của cộng đồng

Từ thực tế trên, có thể thấy, việc bảo vệ, duy trì sức sống của DSVHPVT phụ thuộc rất lớn vào cộng đồng. Chỉ khi họ cảm thấy tự hào và có ý thức trách nhiệm với di sản thì tự khắc họ sẽ chủ động, tự nguyện bảo vệ di sản của mình. Tuy nhiên, để bảo vệ đúng cách, đúng hướng, cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu văn hóa nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương, người thực hành, nghệ nhân về nguồn lực, giáo dục nhận thức và khơi dậy lòng tự hào về di sản.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, dựa trên các điều khoản của Công ước 2003 về nhận diện, bảo vệ DSVHPVT, có thể sửa đổi luật pháp mang tính phổ quát và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức về quyền con người, quyền của các cộng đồng bản địa, quyền của người thực hành các hoạt động liên quan đến di sản của họ. Theo đó, cần thay thế quan điểm bảo vệ DSVHPVT từ trên xuống (top-down) bằng việc triển khai từ dưới lên (bottom-up). Việt Nam đã dần thay đổi cách tiếp cận, lấy cộng đồng làm trung tâm, đề cao vai trò và tiếng nói của cộng đồng - chủ thể của di sản. Điều đó cần được luật hóa bằng những quy định cụ thể trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đó là những giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích cộng đồng nêu cao trách nhiệm bảo vệ DSVHPVT - dòng chảy văn hóa của dân tộc từ ngàn đời.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top