Xã hội hóa – giải pháp hiệu quả xây dựng nhà văn hóa bản ở Điện Biên Đông

10:22 - Thứ Sáu, 01/03/2024 Lượt xem: 7080 In bài viết

ĐBP - Trong điều kiện còn nhiều khó khăn: Ngân sách địa phương hạn hẹp; điều kiện kinh tế, nguồn lực trong dân hạn chế, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Điện Biên Đông đã tích cực huy động, xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản, tổ dân cư. Sau hơn 3 năm triển khai, huyện đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa cho hơn 40% trong tổng số 198 bản, tổ dân cư trong toàn huyện. Năm 2024, huyện Điện Biên Đông phấn đấu hoàn thành 100% nhà văn hóa thôn, bản.

Bài 1: Trong cái khó… “ló sáng kiến”

Nhiều bản trên địa bàn huyện Điện Biên Đông chưa được đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản dẫn đến khó khăn trong khâu tổ chức; hiệu quả các hoạt động văn hóa văn nghệ, học tập, sinh hoạt cộng đồng hạn chế.

Nhà văn hóa “trưởng bản”

Đầu năm 2020, huyện Điện Biên Đông mới có 112/198 bản, tổ dân cư có nhà văn hóa. Việc thiếu nhà văn hóa khiến công tác tổ chức các hoạt động cộng đồng gặp nhiều khó khăn.

Đến bản Na Lại (xã Luân Giói), Trưởng bản Lò Văn Dung giới thiệu cho chúng tôi “hội trường bản Na Lại”. Tay ông Dung chỉ vào gian phòng khách nhỏ chừng 30m2, với một bộ bàn ghế, ti vi, kệ tủ cũ. Từ nhiều năm nay, phòng khách của gia đình ông Dung được xem là “nhà văn hóa” - nơi diễn ra phần lớn các hoạt động của bản Na Lại.

Không gian nhỏ hẹp, sức chứa ít, nhiều lần có việc chung của bản, ông Dung chỉ có thể thông báo, mời đại diện các hộ dân. Ông Dung tận dụng hết mọi loại ghế trong nhà, mượn thêm nhà hàng xóm nhưng vẫn phải trải thêm 2 chiếc chiếu nhựa khổ to để mọi người ngồi dự.

Ông Lò Văn Dung cho biết: “Bản chưa có nhà văn hóa nên mọi hoạt động từ họp bản; họp chi bộ; triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập luyện văn nghệ đến các cuộc sơ kết, tổng kết và liên hoan... đều được tổ chức tại nhà trưởng bản. Bản có 55 hộ dân, nhiều hoạt động có cả trăm người tham gia trong khi điều kiện, cơ sở vật chất của gia đình không đủ đáp ứng, quả thật tổ chức hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, từ đó hiệu quả một số hoạt động rất hạn chế”.

Người dân bản Na Lại đồng lòng, góp sức xây dựng nhà văn hóa bản.

Ông Lò Văn Dũng, người dân bản Na Lại cho biết: Nhiều cuộc họp có nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của mỗi người dân song bản chỉ mời đại diện. Mà không phải ai cũng có khả năng truyền đạt lại đầy đủ cho các thành viên trong gia đình. Một số nội dung người dân không được nghe trực tiếp nên khi thực hiện gặp khó khăn, lúng túng. Đơn cử như, các nội dung về chủ trương, chính sách trồng cây mắc ca; giao đất, giao rừng; triển khai làm căn cước công dân, định danh điện tử, chuyển đổi số... Hoặc như một số hoạt động mang tính cộng đồng như Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, người dân thiếu nơi tổ chức, sinh hoạt nên các hoạt động chưa được tổ chức bài bản, đầy đủ.

Không riêng các bản vùng cao, điều kiện khó khăn mà ngay cả những bản nằm ngay trung tâm các xã, thị trấn cũng chưa được đầu tư xây dựng nhà văn hóa.

Pá Nậm - bản trung tâm xã Chiềng Sơ có 95 hộ dân, 451 nhân khẩu, 100% người dân tộc Thái. Số hộ, số khẩu nhiều nhưng mỗi lần tổ chức họp bản hoặc các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cả bản lại tập trung ở nhà trưởng bản. Không có chỗ sinh hoạt nên hiệu quả các hoạt động chỉ đạt mức trung bình.

Là bản trung tâm xã Chiềng Sơ nhưng nhiều năm bản Pá Nậm chưa được đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản. Trong ảnh: Một góc trung tâm bản Pá Nậm.

Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng bản Pá Nậm cho biết: Các hoạt động có tính chất hội nghị, hội họp đều tổ chức tại nhà trưởng bản. Nhiều cuộc phải tổ chức dưới gầm sàn và sân nhà do số người tham gia quá đông. Bản phải huy động người dân đóng góp để mua sắm một số thiết bị cần thiết. Gia đình cũng bỏ tiền ra để mua ghế nhựa phục vụ bà con đến dự hội họp. Đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ, ngày hội đại đoàn kết có quy mô cả bản thì lại phải tổ chức nhờ ở trường học hoặc nhà văn hóa xã Chiềng Sơ. Mỗi lần như thế đều phải di chuyển, vận chuyển các thứ rất khó khăn.

Quyết tâm giải “bài toán” khó

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, người dân các bản, tổ dân cư rất mong muốn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Tuy nhiên, để xây dựng nhà văn hóa, huyện Điện Biên Đông phải đối mặt với khó khăn rất lớn, đó là thiếu quỹ đất và nguồn kinh phí. Ước tính kinh phí đầu tư xây dựng 1 nhà văn hóa bản khoảng 150 - 200 triệu đồng. Với 86 bản chưa có nhà văn hóa, tổng kinh phí phải đầu tư khoảng gần 20 tỷ đồng. Đây quả là “hòn đá tảng” mà Điện Biên Đông rất khó vượt qua. Trước thực trạng đó, huyện Điện Biên Đông thống nhất giải pháp xã hội hóa nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa bản.

Từ năm 2018, một số xã đã tiên phong đăng ký xây dựng 1 - 2 nhà văn hóa bản/năm. UBND các xã huy động các doanh nghiệp có dự án triển khai thi công trên địa bàn; kêu gọi sự hỗ trợ của các phòng, ban và vận động các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, cách làm này chưa thực sự phát huy hiệu quả, không tạo thành phong trào thi đua. Giai đoạn 2018 - 2020, toàn huyện chỉ xây dựng thêm được 3 - 4 nhà văn hóa bản/năm; tiến độ chương trình rất chậm.

Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Nhận thấy những hạn chế trong cách thức triển khai của chính quyền cấp xã, UBND huyện đã nghiên cứu cách làm mới. Đối với quỹ đất, UBND huyện đề nghị các xã, bản, tổ dân cư tuyên truyền, vận động người dân hiến đất. Đối với kinh phí, UBND huyện Điện Biên Đông thống nhất sử dụng nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư, xây dựng nhà văn hóa. Sau đó, UBND huyện trình và nhận được sự đồng ý của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về chủ trương sử dụng nguồn kinh phí. Đồng thời, Huyện ủy đưa nội dung xóa bản “trắng” nhà văn hóa là một trong những chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Có được “hành lang pháp lý”, năm 2021, huyện Điện Biên Đông đưa nội dung xã hội hóa nhà văn hóa bản vào chỉ tiêu giao hàng năm đối với các xã, thị trấn. UBND huyện giao chi tiêu xã hội hóa kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa bản đối với 8 cơ quan, phòng, ban của huyện, với mức tối thiểu 2 nhà văn hóa/đơn vị/năm. Đồng thời kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên từ cấp huyện đến xã gương mẫu ủng hộ kinh phí, góp sức xây dựng nhà văn hóa bản.

Kế hoạch xây dựng cụ thể song khi triển khai xuống cơ sở cũng gặp không ít khó khăn. Bà Lò Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Luân Giói cho biết: Mới đầu người dân không đồng ý hiến đất và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để xây dựng nhà văn hóa. Trước tình hình đó, xã Luân Giói đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân. Mỗi bản tổ chức hàng chục cuộc họp, hội nghị từ tuyên truyền tập trung đến vận động cá nhân. Dần dần, bà con hiểu ra nhà văn hóa bản mang lại nhiều lợi ích, từ đó 100% bản đồng thuận hiến đất, góp kinh phí, ngày công xây dựng.

Nhà văn hóa bản Na Lại khởi công tháng 8/2023, khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 1/2024.

Ông Lò Văn Yêm, Bí thư Chi bộ bản Na Lại, xã Luân Giói chia sẻ: Những cuộc họp đầu tiên, người dân phản đối chủ trương do huyện đề ra. Chi bộ bản tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên tuyên truyền đến từng hộ, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Theo đó, trưởng bản tình nguyện hiến hơn 200m2 đất ruộng; các đảng viên góp thêm 400.000 đồng/hộ để xây dựng nhà văn hóa. Học tập theo, 100% hộ dân đều đồng thuận, chung tay xây dựng nhà văn hóa bản.

 Bài 2: Toàn dân đoàn kết xây nhà văn hóa bản

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top