Sáng mãi tinh thần dân công Điện Biên

08:44 - Thứ Hai, 25/03/2024 Lượt xem: 5394 In bài viết

Chuyển thể từ bút ký về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của PGS, TS Nguyễn Tất Thắng, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Hùng dàn dựng vở kịch nói “Điện Biên vẫy gọi”, với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội. Hơn một tháng qua, Nhà hát đã ngày đêm tập luyện để vở diễn thực sự có giá trị nghệ thuật cao, kịp thời ra mắt phục vụ nhân dân và bộ đội chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trên sân khấu Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), đã 23 giờ nhưng không khí tập luyện của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát vẫn còn rôm rả trong phân đoạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt nhịp hò vè đối đáp với đoàn dân công và bộ đội. Những lời hò lơ của dân công đến từ nhiều miền quê như Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... hòa trong giọng hò quê hương Quảng Bình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui tươi, ấm áp: “Anh đi chiến dịch Điện Biên/ Ai đi hò lờ/ Tóc xanh em đợi/ Ai đi hò lờ/ Lòng son em chờ/ Hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đi hò lờ”. “Bây giờ Điện Biên đang vẫy gọi, mọi người theo tôi...”, lời thoại của nghệ sĩ Đới Anh Quân hóa thân vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp hòa trong tiếng nhạc cùng tinh thần sục sôi, khí thế quyết tâm của đoàn dân công bước vào chiến dịch...

Hình ảnh trong phân cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội và dân công nêu cao quyết tâm chiến thắng trong vở diễn. 

“Điện Biên vẫy gọi” lấy chuyện từ chân dung của nữ dân công, nữ cứu thương tên Nguyễn Thị Phong Lan. Bối cảnh đầu vở kịch mở ra không gian của làng Tề (làng bị quân Pháp chiếm đóng và kiểm soát trước năm 1954), khi có các đoàn bộ đội và dân công hướng lên Điện Biên đi qua đã được người dân và đặc biệt là các thanh niên như Vĩnh, Long và Lan giúp đỡ, dẫn đường tránh sự truy đuổi của địch. Trốn khỏi làng Tề, Long đi theo cách mạng, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng lời hẹn ước với Lan sẽ gặp và cưới nhau trên mảnh đất Điện Biên sau ngày thắng trận. Lan sau khi thu vén công việc gia đình của cả nhà mình và nhà Long cũng đã băng rừng, vượt núi, qua sông để hòa vào những đoàn dân công tiến lên Điện Biên. Gần hai tháng, Lan lúc tham gia đoàn vận tải, khi phục vụ công tác cứu thương trong các trạm quân y... dọc dài quãng đường theo hướng Điện Biên vẫy gọi, Lan gặp, chứng kiến những con người đang ngày đêm góp sức lực, niềm tin của mình cho cuộc chiến tranh cứu nước tới ngày thắng lợi. Và Lan, tưởng chừng những khát khao mong chờ sẽ đến nhưng trước giờ toàn thắng, chị đã hy sinh khi vác trên vai một thương binh băng qua làn đạn.

Đạo diễn, NSND Lê Hùng cho biết, các đây 20 năm, ông đã dàn dựng vở diễn “Thông điệp từ Điện Biên”; năm 2014 dựng vở “Nhiệm vụ hoàn thành” về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vở diễn đều đã đoạt giải thưởng lớn trong những cuộc thi sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng. Với năm 2024, dấu mốc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, khi Nhà hát Kịch nói Quân đội mời đặt hàng dàn dựng tác phẩm, NSND Lê Hùng đã rất trăn trở: “Rất nhiều tháng trời, tôi và Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát và các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật Nhà hát đã tìm tòi các kịch bản. Chiến công hiển hách, lớn lao của đất nước như Chiến thắng Điện Biên Phủ mà không có tác phẩm, không có vở diễn mới thì vừa lo lắng vừa thấy có lỗi. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là kịch bản đó phải được thẩm định, trao giải để đạt tính giá trị, chất lượng. May mắn chúng tôi đã chọn được bút ký của PGS, TS Nguyễn Tất Thắng từng được trao giải nhất của Báo Văn nghệ phát động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. Ngay lập tức, PGS, TS Nguyễn Tất Thắng bắt tay chuyển thể thành kịch bản “Điện Biên vẫy gọi”. Trong vở diễn này, chúng tôi đã phác họa để tôn vinh chân dung của những người dân công mà theo quan điểm cá nhân tôi, để đi đến thắng lợi của Điện Biên Phủ thì công lao 50% thuộc về những con người bình dị này”.

Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cho biết, dàn dựng vở diễn “Điện Biên vẫy gọi” là quyết tâm cao của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát. Dù thời gian gấp gáp nhưng các nghệ sĩ, diễn viên gần hai tháng qua đã đoàn kết một lòng để tập ngày, tập đêm với đích đến là có thể ra mắt vở diễn với bản dựng chất lượng tốt nhất, có giá trị nghệ thuật cao để biểu diễn phục vụ khán giả đúng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5). Sau khi ra mắt công diễn tại Hà Nội, Nhà hát dự kiến sẽ lên kế hoạch đưa vở “Điện Biên vẫy gọi” đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở các đơn vị, cơ sở. 

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top