Ngăn chặn phá rừng trái pháp luật ở Mường Nhé

12:50 - Thứ Bảy, 26/03/2022 Lượt xem: 5685 In bài viết

ĐBP - Đầu năm 2022, thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng với nhiều khu rừng ở huyện Mường Nhé. Thêm vào đó, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, người lao động trên địa bàn huyện Mường Nhé không có việc làm trở về địa phương dẫn đến một bộ phận người dân đã phá rừng để lấy đất canh tác, sản xuất. Một số đối tượng vi phạm có hành vi liều lĩnh, cản trở, hành hung lực lượng thi hành công vụ, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kiểm tra thực địa các lô rừng, biến động rừng tại huyện Mường Nhé.

“Rải đinh” tổ công tác

Nhiều người tại xã Quảng Lâm không quên vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 414B, khoảnh 7, giáp với bản Dền Thàng vào cuối tháng 1/2022. Ngay khi phát hiện vụ việc, tổ công tác đã tiến hành đo đếm, kiểm tra hiện trường vụ phá rừng và tìm hiểu thông tin từ người dân. Vị trí phá rừng bước đầu nghi do một số đối tượng thuộc bản Huổi Thủng 3, xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) sang phá để lấy đất canh tác, sản xuất.

Nhận định tình hình tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, huyện Mường Nhé chỉ đạo xã Quảng Lâm phối hợp cùng xã Na Cô Sa khẩn trương họp bản Huổi Thủng 3 để tuyên truyền nhân dân biết khu vực rừng tự nhiên, không được vi phạm. Sau khi phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp… cho người dân tại bản Huổi Thủng 3; thông tin đến bà con khu vực rừng thuộc tiểu khu 414B, khoảnh 7 là rừng tự nhiên, cấm chặt phá rừng, 2 xã đồng thời vận động nhân dân tố giác hành vi vi phạm đối với vụ việc phá rừng tại tiểu khu 414B. Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhân dân bản Huổi Thủng 3 có nhiều ý kiến bức xúc, không nhất trí việc giao diện tích rừng trên cho nhân dân bản Dền Thàng quản lý; đề nghị phải giao lại cho bản Huổi Thủng 3 vì cho rằng từ trước đến nay khu vực này do họ chăn thả và bảo vệ. Nếu không giao cho bản Huổi Thủng 3 quản lý thì người dân sẽ phá hết để làm nương.

Từ thực tế buổi họp bản cho thấy nguy cơ phá rừng vẫn tiềm ẩn, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo UBND xã Quảng Lâm, tổ công tác liên ngành của xã thường xuyên tổ chức tuần tra rừng tại khu vực phá rừng nêu trên tối thiểu 1 lần/ngày. Tổ liên ngành gồm từ 5 - 7 thành viên tham gia tuần tra để kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi phá rừng trái pháp luật. Đầu tháng 2/2022, tổ công tác gồm Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, UBND xã Quảng Lâm và Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ phối hợp kiểm tra khu vực giáp ranh nêu trên phát hiện thêm 4 vị trí phá rừng mới thuộc địa bàn xã Quảng Lâm (diện tích 1,42ha). Tại thời điểm kiểm tra, chưa xác minh được đối tượng vi phạm. Sau khi đo đếm, kiểm tra hiện trường, trên đường đi về tổ công tác đã bị các đối tượng “rải đinh” làm thủng lốp 1 xe máy, 1 cây bị chặt (đường kính khoảng 20cm) chắn ngang đường chặn lối đi.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, huyện Mường Nhé đã tổ chức họp thống nhất triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng phá rừng; chỉ đạo 2 xã Quảng Lâm, Na Cô Sa tiến hành đối thoại trực tiếp với bản Huổi Thủng 3 để tuyên truyền cũng như giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân theo quy định của pháp luật… Nhờ vậy, vấn đề bảo vệ rừng khu vực bản Dền Thàng, bản Huổi Thủng 3 đã được kiểm soát chặt chẽ, không còn phức tạp về nguy cơ phá rừng và không phát sinh thêm vụ việc phá rừng mới.

Nhiều giải pháp giữ rừng

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Mường Nhé đã phát hiện 12 vụ phá rừng trái pháp luật tại 3 xã: Quảng Lâm, Nậm Kè và Chung Chải. Diện tích rừng bị phá là 21.838m2 (gồm 12.288m2 rừng phòng hộ và 9.550m2 rừng sản xuất). Trong đó xã Quảng Lâm 9 vụ, xã Nậm Kè 1 vụ và xã Chung Chải 2 vụ. Cơ quan chức năng đã  xử lý hành chính 12 vụ (xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ; đang điều tra, xác minh để xử lý vi phạm 8 vụ). Cùng với đó 1 điểm phức tạp về phá rừng trái pháp luật tại bản Dền Thàng (xã Quảng Lâm) cũng đã được ngăn chặn.

Để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, huyện Mường Nhé đã tăng cường tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng. Từ tháng 10/2021 đến nay đã tổ chức tuyên truyền tại 88 bản với tổng số 3.411 lượt người tham gia; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của thôn (bản); các cơ quan, đơn vị chức năng và UBND các xã đã lồng ghép tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và bảo vệ các loài động vật hoang dã cho học sinh trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tuần tra, kiểm tra rừng. Việc hướng dẫn chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được thực hiện nghiêm túc. Các xã, chủ rừng tổ chức xây dựng và thực hiện 11 phương án PCCCR cấp xã; 90 phương án PCCCR của chủ rừng là cộng đồng dân cư và hộ gia đình; 2 phương án PCCCR của chủ rừng là tổ chức. Thường xuyên theo dõi dự báo nguy cơ cháy rừng trên trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm, đã tổ chức kiểm tra 406 điểm cháy từ vệ tinh (từ ngày 1/10/2021 đến nay)…

Huyện Mường Nhé tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của chủ rừng, quần chúng nhân dân về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR đến từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, tích cực đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm. Tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; đặc biệt là cộng đồng, dân cư sống gần rừng, khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, phá rừng. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, truy quét nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Gia Kiệt
Bình luận

Tin khác

Back To Top