Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình

08:31 - Thứ Tư, 30/03/2022 Lượt xem: 5343 In bài viết

ĐBP - Tăng cường truyền thông, duy trì hoạt động của các mô hình và xử lý nghiêm các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) là những hoạt động cụ thể đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nhằm từng bước cụ thể hóa mục tiêu bình đẳng giới và giảm thiểu tình trạng BLGĐ.

Tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ và phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo).

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến khá tích cực, số vụ BLGĐ có giảm theo từng năm. Năm 2021, tình trạng BLGĐ đã được kiềm chế và giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2020, với số vụ BLGĐ là 62, trong đó chủ yếu là bạo lực thân thể (43 vụ), bạo lực tinh thần (17 vụ). Để giảm thiểu tình trạng BLGĐ, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động, đặc biệt là thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ và hậu quả của các hành vi BLGĐ. Công tác can thiệp hỗ trợ, xử lý các vụ việc BLGĐ cũng được thực hiện kịp thời, trong năm 2021, số người gây bạo lực được xử lý là 58 người; góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 51 người; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 2 người; xử phạt vi phạm hành chính 4 người; xử lý hình sự 1 người; số nạn nhân bị bạo lực được tư vấn về tâm lý, tinh thần, pháp luật là 58 người, đạt 100%.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, hoạt động can thiệp, hỗ trợ của các “Địa chỉ tin cậy”, Đường dây nóng cũng mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 796 địa chỉ tin cậy, 68 số đường dây nóng, gần 500 tổ tư vấn, hòa giải đã góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Mô hình phòng, chống BLGĐ được triển khai tại 10/10 huyện, thị, thành phố; 76/129 xã, phường có Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống BLGĐ; 447 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 559 nhóm phòng, chống BLGĐ đang duy trì hoạt động đã giúp giải quyết, hòa giải các mẫu thuẫn ngay tại cơ sở, các vụ BLGĐ nghiêm trọng được phát hiện, hạn chế thấp nhất hành vi BLGĐ tiếp theo xảy ra.

Câu lạc bộ phòng chống BLGĐ tại xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) là một trong những mô hình được triển khai hiệu quả. Với tổng số 29 thành viên tại 2 bản Pa Xa Xá và Pa Xa Lào đăng ký tham gia, câu lạc bộ thực hiện sinh hoạt định kỳ hàng tháng với nhiều nội dung như: Tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ và Chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng, chống BLGĐ.... Sau 15 năm hoạt động, câu lạc bộ đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho người dân, giúp gắn kết mối quan hệ gia đình cho các cặp vợ chồng có những bất hòa, rạn nứt trong hôn nhân, đẩy lùi xung đột và BLGĐ. Khi phát hiện có trường hợp mâu thuẫn, xung đột ở gia đình xảy ra, các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ kịp thời can thiệp và hòa giải thành công. Đến nay, tình trạng BLGĐ tại xã đã giảm rõ rệt, tình cảm gia đình, vợ chồng được gắn kết, bình đẳng hơn.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh triển khai thực hiện các mô hình câu lạc bộ về phòng chống BLGĐ đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong quan hệ gia đình cho hội viên và người dân; nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển. Để các mô hình câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo phối hợp, lồng ghép nội dung về phòng chống BLGĐ với các nội dung sinh hoạt, phong trào và tổ chức đoàn công tác về cơ sở giám sát về phòng, chống BLGĐ, tùy theo tình hình thực tế từng cơ sở để có kế hoạch, triển khai tuyên truyền phù hợp nhằm giảm thiểu bạo lực, hướng đến nói không với BLGĐ.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, bí bách về tinh thần khiến mâu thuẫn, xung đột gia đình có nguy cơ gia tăng, dễ dẫn đến bạo hành. Bên cạnh sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm, tình yêu thương, chia sẻ của mỗi thành viên trong gia đình thì cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác phòng, chống BLGĐ; chú trọng trang bị kỹ năng sống nhằm giúp các gia đình có thể giải quyết mâu thuẫn, xung đột ngay từ khi mới phát sinh... Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới, nâng cao và khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top