Đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng lao động nông thôn

05:52 - Thứ Năm, 19/05/2022 Lượt xem: 4027 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là tỉnh có chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đồng đều. Đối với khu vực nông thôn, nhiều lao động chưa qua đào tạo, hoặc đào tạo mà chưa áp dụng hiệu quả vào thực tế, năng suất lao động không cao. Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, đưa Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc thì nhân lực là yếu tố quan trọng. Bởi vậy việc đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, mà chiếm phần đông là lao động nông thôn là nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm.

Cán bộ kỹ thuật thăm mô hình trồng dưa xá tại bản Huổi Hộc, xã Nà Nhạn.

Đầu tư cho nông dân

Giai đoạn 2010 - 2020, trên địa bàn tỉnh triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 10 năm, hơn 100.000 lượt lao động đã được đào tạo nhiều ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, với nhiều trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng trên 23.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Năm 2021, Đề án kết thúc, nhưng các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn vẫn được triển khai thông qua nhiều chương trình khác với các lớp dạy nghề, mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, liên kết sản xuất - tiêu thụ...

Tại TP. Điện Biên Phủ, giai đoạn 2016 - 2020, triển khai Đề án 1956 đã có 6 lớp đào tạo các nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn về kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng và thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng nấm; chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm và nuôi cá nước ngọt... Kết thúc khóa học, 70% học viên chủ động đầu tư cây, con giống để sản xuất. Sau khi Đề án kết thúc, các lớp đào tạo nghề không được tiếp tục triển khai, một phần do không có kinh phí. Thay vào đó là các mô hình vừa thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa bàn vừa nâng cao chất lượng lao động. Năm 2022, thành phố đang triển khai các mô hình ứng dụng khoa học vào thâm canh lúa nước, trồng dâu tây, dưa xá, bí thơm... Tham gia các mô hình này, người nông dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ và hướng dẫn canh tác, thiết thực “học đi đôi với hành”, cầm tay chỉ việc để không chỉ mô hình đạt hiệu quả kinh tế mà người dân thu được nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế.

Tại bản Huổi Hộc, xã Nà Nhạn, Phòng Kinh tế thành phố triển khai mô hình thử nghiệm trồng 1ha cây dưa xá với 14 hộ tham gia. Ông Lò Văn Diện, Trưởng bản, đồng thời là hộ trực tiếp tham gia mô hình, chia sẻ: “Dưa đã được thu hoạch nhiều đợt cùng trên 1 giàn. Đợt đầu năng suất 1,5 tạ/1.000m2, đợt sau 2 tạ, giá bán 10.000 - 15.000 đồng/kg. Tính ra năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn 4 - 5 lần so với trồng lúa. Trước đây cũng đã có hộ trong bản trồng dưa bán nhưng nhỏ lẻ, không có kiến thức nên năng suất thấp, thu được 1 đợt là dưa tàn. Nay tham gia mô hình, các cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn, thường xuyên sâu sát trồng như nào, chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hái ra sao, đảm bảo quả vừa ngon, vừa sạch”.

Bồi dưỡng thế hệ trẻ

Thời gian qua đã có nhiều mô hình kinh tế của các đoàn viên thanh niên, người trẻ tuổi về nông nghiệp, nông thôn, có ý nghĩa xã hội, hiệu quả kinh tế cao được tuyên dương tại địa phương và các cấp bộ đoàn. Những năm qua cũng đã có nhiều chương trình khởi nghiệp, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp được triển khai rộng rãi, thu hút nhiều đề tài, mô hình về nông nghiệp, nông thôn tham dự. Thông qua đó không chỉ lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy thế hệ trẻ học hỏi, trau dồi, nâng cao năng lực bản thân, mà còn tạo môi trường để thanh niên tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thu hút hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn...

Phong trào này cũng được Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên quan tâm đặc biệt. Với phần đông sinh viên xuất thân từ nông thôn, các em thường tập trung xây dựng ý tưởng khởi nghiệp tập trung vào các đề tài thân quen, có ứng dụng tại địa bàn. “Ứng dụng chế phẩm sinh học Emina trồng và chế biến cây dược liệu cho tinh dầu theo hướng hữu cơ: Gừng, bạc hà, hương thảo, oải hương” là một trong những ý tưởng khởi nghiệp năm 2021 được nhà trường hỗ trợ triển khai thực tế. Giữa năm 2021, nhóm sinh viên được trường hỗ trợ mượn đất của doanh nghiệp và đầu tư trồng thử nghiệm một số gốc cây oải hương, hương thảo và 1.000 bao gừng (gừng trồng trong bao đất). Lần đầu tiên trồng giống cây mới, dù được giảng viên hỗ trợ sâu sát, nhóm vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thời tiết không thuận lợi.

Em Lò Văn Phong, Trưởng nhóm cho biết: “Chúng em trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ, vừa làm vừa học cách chăm sóc, ủ phân vi sinh, tạo chế phẩm sinh học... Vụ gừng đầu tiên thu được 6 - 7 tạ củ, tuy thu về chưa cao nhưng khẳng định được chất lượng là giống gừng thơm, vàng, giá trị dược liệu cao. Oải hương, hương thảo vẫn đang thử nghiệm. Tháng 4 - 5 vừa qua, chúng em lại tiếp tục xuống giống trồng gừng vụ mới. Em rất mong dự án thành công, có thể triển khai mở rộng tại địa phương em”. Được biết Phong sinh ra và lớn lên tại xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng. Tham gia dự án khởi nghiệp, Phong đã nuôi dưỡng thêm những ý tưởng và ước mong xây dựng quê hương. Phong chia sẻ: “Em có chuyển một lượng gừng giống về và hướng dẫn bố mẹ trồng thử tại nhà. Quê em còn nghèo lắm, em biết khởi nghiệp rất khó, có thể sẽ thất bại, cần xác định mục đích, định hướng rõ ràng và huy động được nguồn lực, nhưng em vẫn nuôi ý tưởng phát triển dược liệu đan xen, có thể phát triển gừng thành sản phẩm OCOP của xã”.

Để phát triển lực lượng lao động nông thôn, bên cạnh những lớp đào tạo, dạy nghề, rất cần những dự án, mô hình, những ý tưởng mới, sáng tạo và có tính khả thi để nông dân, người lao động tiếp cận, học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng. Không chỉ vậy, các mô hình, dự án hiệu quả có thể lan tỏa, nhân rộng, tạo thành phong trào, thu hút sự học tập, tham gia của đông đảo nông dân địa bàn. Đây cũng là một trong những giải pháp mà các địa phương quan tâm, chú trọng.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top