Quan tâm công tác dân số

07:30 - Thứ Năm, 22/12/2022 Lượt xem: 5100 In bài viết

ĐBP - Hiện nay công tác dân số trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là mức sinh vẫn còn cao, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn diễn ra. Chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tồn tại nhiều hủ tục, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn xảy ra ở đồng bào dân tộc thiểu số. Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người còn hạn chế...

Cán bộ Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo chỉ đạo công tác dân số và nâng cao chất lượng dân số gắn với chương trình phát triển nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội. Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số và KHHGĐ ở cấp cơ sở còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ, chưa tương xứng với yêu cầu trong giai đoạn mới. Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, chưa phối hợp và phát huy được tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội. Nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào KHHGĐ. Nhận thức và tiếp cận sớm với tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cũng như hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng dân số, Điện Biên tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, trong đó tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tranh thủ nguồn lực đầu tư từ Trung ương, tăng mức đầu tư từ ngân sách địa phương, tích cực tranh thủ các nguồn viện trợ và huy động sự đóng góp của nhân dân, bảo đảm kinh phí thực hiện công tác dân số và phát triển. Ưu tiên triển khai các chương trình, dự án nâng cao chất lượng cuộc sống đối với các vùng đông dân có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Quan tâm nâng cao năng lực và nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên ở khu dân cư; có chính sách thỏa đáng về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ này.

Triển khai hoạt động truyền thông về công tác dân số, ngành Dân số phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tổ chức truyền thông tiếp cận tới những trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng. Đây là kênh tuyên truyền, vận động hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện mục tiêu dân số. Các nội dung truyền thông được lồng ghép vào sinh hoạt cộng đồng; đưa các tiêu chí về dân số và phát triển vào hương ước, quy ước khu dân cư. Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành Dân số chú trọng mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ DS/SKSS/KHHGĐ, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn, thuận tiện và phù hợp với nhu cầu của người dân. Tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao. Đa dạng hóa kênh cung ứng hàng hóa SKSS và phương tiện tránh thai. Đẩy mạnh tiếp thị xã hội và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số. Áp dụng chính sách khuyến khích thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ, tạo động lực để cả cộng đồng cùng hướng đến xây dựng xã hội văn minh, phát triển bền vững.

Thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2022, công tác truyền thông giáo dục về dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, truyền thông qua hệ thống loa phát thanh hơn 3.100 lần, vượt 1.109 lần so với kế hoạch; truyền thông, vận động tại xã về nâng cao chất lượng dân số 136 lần với trên 2.800 lượt người nghe; tư vấn về dân số và phát triển trên 6.200 lần với trên 20.800 lượt người nghe; nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho học sinh tại 9 trường dân tộc nội trú với trên 1.800 lượt nghe;...

Theo bà Vũ Thị Thùy, tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, Chi cục chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi; đặc biệt, đưa nội dung tuyên truyền phù hợp đến từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe thể chất, trí tuệ và tinh thần cho các nhóm đối tượng đặc thù, miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó tiếp cận. Mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục DS/SKSS/KHHGĐ trong và ngoài nhà trường cho vị thành niên và thanh niên.

Châu Linh
Bình luận
Back To Top