Vấn đề kỳ này
ĐBP - Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đã đề ra nhiều giải pháp để tuyên truyền, phát triển, mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm tự nguyện (BHTN), góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Báo cáo cho thấy, sau 4 năm (2018 - 2022) triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: Năm 2018 - khi Nghị quyết số 28-NQ/TW được triển khai, toàn tỉnh có 41.382 người tham gia BHXH, trong đó 39.059 người tham gia BHXH bắt buộc và 2.323 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 12% so với lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH). Năm 2022, toàn tỉnh có 52.046 người tham gia, trong đó có 37.656 người tham gia BHXH bắt buộc và 14.390 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 14,12% so với lực lượng lao động trong độ tuổi).
Về BHTN, năm 2018 có 29.677 người tham gia (đạt 8,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi); đến năm 2022 có 30.064 người tham gia (đạt 8,16% so với lực lượng lao động trong độ tuổi). Đáng chú ý, về BHXH tự nguyện, năm 2018 có 2.323 người tham gia, thì đến hết năm 2022 tăng lên 15.348 người (gấp 6,19 lần so với năm 2018).
Công tác thu BHXH, BHTN luôn hoàn thành và đạt kế hoạch được giao. Số nợ BHXH, BHTN tính đến 31/12/2022 giảm còn 11,218 tỷ đồng, chiếm 0,87% so với số phải thu, giảm so với chỉ tiêu giao nợ của BHXH Việt Nam là 0,23% (chỉ tiêu giao nợ của BHXH Việt Nam là 1,1%).
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN có tăng theo từng năm nhưng vẫn còn thấp so với Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với lực lượng lao động của tỉnh (khoảng 14,12%); người tham gia BHXH tự nguyện đa số ở mức thấp. Việc vận động phát triển người tham gia BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số người tham gia BHYT đạt độ bao phủ là 95,62% dân số, nhưng chủ yếu người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi do còn phải phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước hỗ trợ nên chưa mang tính bền vững. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có xu hướng giảm do dịch bệnh Covid-19, nhiều công nhân mất hoặc giảm việc làm...
Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc, theo đó, tỉnh Điện Biên có gần 48.628 người (trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số) không còn thuộc diện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT, vì vậy độ bao phủ BHYT từ 98,5% năm 2020 đã giảm xuống còn 95,62% trong năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiết theo. Một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài nên công tác thu BHXH, BHYT gặp khó khăn, người lao động không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, dẫn đến không đóng được số nợ cũ và tiếp tục tăng số nợ mới. Việc tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH, BHYT bị gián đoạn, phần nào ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác, phát triển các nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh...
Để nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 17/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng... rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Trước hết, các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, đơn vị, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên phải chú trọng thực hiện.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động. Huy động nguồn lực địa phương và bố trí ngân sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhất là đối với đồng bào DTTS sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng các dịch vụ, đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT để đảm bảo kịp thời mọi quyền lợi cho người tham gia và hưởng chính sách, nâng cao tinh thần phục vụ, tạo sự tin tưởng, hài lòng của người dân. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH... Cùng với đó, chú trọng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, vận động Nhân dân, doanh nghiệp thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Gắn việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vào công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của các cơ quan, đơn vị...