Đa dạng hoá hoạt động truyền thông dân số

14:53 - Thứ Tư, 27/12/2023 Lượt xem: 5884 In bài viết

ĐBP - Các hoạt động truyền thông được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), từng bước nâng cao chất lượng dân số.

 
Cán bộ dân số tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người dân thôn 2, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa).

Trước đây, tại thôn 2, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa), tình trạng tảo hôn diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân do những hủ tục còn tồn tại cùng sự hạn chế trong nhận thức của người dân. Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ dân số cùng các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn đã tích cực phối hợp tuyên truyền. Cùng với tổ chức tuyên truyền tại các buổi họp thôn, các đơn vị còn đến trực tiếp các gia đình trò chuyện, vận động. Đồng thời, xã Sính Phình còn tập trung phát huy hiệu quả vai trò của những người có uy tín trong thôn.

Trưởng thôn 2 Giàng A Thào cho biết: Thôn đã tuyên truyền đến từng hộ gia đình về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những câu chuyện thực tế về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… nhằm giúp bà con nâng cao ý thức, ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng. Đồng thời, vận động người dân sinh đúng, sinh đủ con theo quy định của Pháp lệnh Dân số để nuôi dạy con cho tốt.

Tủa Chùa là huyện vùng sâu, vùng xa gồm 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số. Việc tiếp cận các chính sách về DS-KHHGĐ của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đội ngũ cán bộ y tế, cộng tác viên dân số tại cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, đưa các chính sách DS-KHHGĐ đến gần với người dân. Để làm tốt công tác này, cán bộ, cộng tác viên dân số đã rà soát, nắm chắc những đối tượng có nguy cơ cao, từ đó có những biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời.

Bác sĩ Sùng A Khu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sính Phình cho biết: Cán bộ y tế, cộng tác viên dân số đã đến từng hộ gia đình, vận động chị em phụ nữ chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn; tuyên truyền nam giới thực hiện bình đẳng giới... Cách thức tuyên truyền phải dễ hiểu, dễ nghe. Từ đó, người dân chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ, giáo dục con cái tốt, xây dựng gia đình ngày càng tiến bộ, hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tỉnh Điện Biên hiện có trên 540.000 người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 83% dân số. Để thực hiện hiệu quả công tác DS-KHHGĐ, ngành Dân số tỉnh chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, tập trung vào các nội dung: Mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Trạm Y tế thị trấn Mường Chà truyền thông, tư vấn cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho học sinh THCS trên địa bàn.

Trong năm 2023, công tác truyền thông - giáo dục về dân số được triển khai bằng nhiều hình thức, trên các kênh trực tiếp, gián tiếp với các nội dung về nâng cao chất lượng dân số, dân số và phát triển. Trong đó, truyền thông nhóm được đẩy mạnh từ tuyến tỉnh đến từng thôn, bản; truyền thanh qua loa phát thanh 4.673 lần (đạt 100,6% kế hoạch); truyền thanh qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua trang mạng xã hội, website của Chi cục DS - KHHGĐ 560 tin, bài (đạt 186,7% kế hoạch); truyền thông về sức khỏe tiền hôn nhân tại trường học. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số được triển khai hiệu quả, gồm: Bản thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ; bản không sinh con thứ 3 vi phạm chính sách DS - KHHGĐ; bản không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tại nhiều địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao như: Mường Nhé, Tủa Chùa, Nậm Pồ… hoạt động truyền thông cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức sức khỏe sinh sản đến người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được thực hiện hiệu quả, tích cực.

Cộng tác viên dân số truyền thông giới thiệu các biện pháp tránh thai tại bản Hừa Ngài, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà.

Bác sĩ CKII Vũ Thị Thuỳ, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ nhấn mạnh: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ ở cơ sở; tăng cường tuyên truyền, phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra giám sát; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ sở để triển khai công tác này hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dân số, không chỉ có ngành Y tế, mà còn có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương để người dân được tiếp cận các dịch vụ, cũng như kiến thức về y tế, DS - KHHGĐ... Từ đó dẫn đến sự thay đổi hành vi, tạo sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức, góp phần ổn định chất lượng cuộc sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top