Hội thảo góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

16:49 - Thứ Sáu, 29/12/2023 Lượt xem: 4973 In bài viết

Ngày 29-12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Lưu trữ hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về tăng cường ứng dụng thông tin (trong đó có lĩnh vực lưu trữ), đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản ký nhà nước. Do vậy, Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã đồng ý đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến lần đầu và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (vào tháng 5-2024).

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Chinh, Thành viên Tổ biên tập dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) (Bộ Nội vụ) cho biết: Có 5 điểm mới trong dự thảo Luật Lưu trữ trong đó đáng chú ý, dự thảo Luật đã phân định rõ thẩm quyền quản lý tài sản lưu trữ và dữ liệu lưu trữ, phông lưu trữ, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ cá nhân; Lưu trữ Tư nhân; quyền tiếp cận thông tin lưu trữ của người dân; quy định về kho lưu trữ số; khái niệm…

Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam góp ý, Ban soạn thảo cần bổ sung đối tượng áp dụng vào trong Luật, cũng cần lưu trữ truyền thống thay vì chỉ lưu trữ số bởi chính sách của Nhà nước là phải “Xây dựng nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, ngang tầm thế giới đáp ứng yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số” chứ không nên chỉ chú trọng xây dựng nền lưu trữ số Việt Nam hiện đại mà ít quan tâm đến lưu trữ truyền thống (bằng tài liệu giấy, các vật mang tin khác) có từ hàng vài trăm năm nay.

 Toàn cảnh hội thảo.

Ông Đinh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam cho rằng, cần tách bạch giữa hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ. Đặc biệt về Điều 53 của dự thảo Luật cần bỏ khoản 2: Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh các hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top