TUỔI TRẺ CUỘC SỐNG

Người trẻ và nỗi lo khủng hoảng danh tính

10:28 - Thứ Tư, 10/01/2024 Lượt xem: 3344 In bài viết

“Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh xong, tôi không biết làm gì. Tôi băn khoăn mình sẽ đi tiếp hay dấn thân vào lĩnh vực nào”, chia sẻ của Ngân Phan trước khi cô bén duyên và tìm thấy niềm đam mê ở lĩnh vực phim ảnh.

Bạn trẻ tham gia hoạt động thực tế để tăng trải nghiệm, vốn sống và kiến thức

Nỗi niềm chung - riêng

Ngân Phan tâm sự: “Tôi cố gắng bám víu, cố chấp chọn một công việc những tưởng có điểm chung nhất định với ngành mình đã học để không hối tiếc những năm trên ghế giảng đường. Nhưng rồi, sau khi làm một thời gian, tôi không còn cảm thấy hứng thú”. Và rồi, chính cô nhận ra mình đã trải qua giai đoạn khủng hoảng danh tính.

Trong giai đoạn này, thanh thiếu niên phải đối mặt với sự phát triển về thể chất, trưởng thành về giới tính cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về sự nghiệp, vai trò của mình trong xã hội. Việc giải quyết thành công cuộc khủng hoảng này phụ thuộc vào sự tiến bộ của mỗi người qua các giai đoạn phát triển trước đó, đặc biệt liên quan đến lòng tin, quyền tự chủ và sáng kiến.

Với trường hợp của Ngân Phan, quá trình làm về sáng tạo nội dung đã cho cô có nhiều cơ hội tiếp xúc với video và thấy mình cần học hỏi, khám phá thêm. Bắt đầu từ những video về du lịch, cô đã biết làm phim là như thế nào để rồi quyết định theo học các khóa ngắn hạn về phim ảnh. Cô tâm sự: “Tôi đã xác định được con đường đi cho mình và luôn cảm thấy hứng thú với công việc làm phim”.

Như đã nói, khủng hoảng định danh tính xảy ra phổ biến nhất ở giai đoạn trưởng thành, nhất là với những người đang phân vân sẽ làm gì trên con đường sự nghiệp của mình. Thanh Trúc (sinh viên năm 4, Khoa Văn hóa học, Đại học KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), thừa nhận: “Các bạn ở độ tuổi của em nhiều người đều phân vân trên con đường định hướng bản thân và nghề nghiệp sẽ làm sau khi ra trường. Em mất mấy tháng để lắng nghe, tham khảo ý kiến từ gia đình, các anh chị, bạn bè, mới cân nhắc về quyết định công việc của mình”.

Tìm cách để vượt qua

Lý giải về nguyên nhân của sự “khủng hoảng” với một người trẻ, theo kinh nghiệm của cá nhân Thanh Trúc, hoàn cảnh gia đình chiếm một vị trí quan trọng. “Thiếu ý kiến tham khảo từ cha mẹ, cộng thêm ngại chủ động chia sẻ về khó khăn của mình trong việc xác định định hướng. Vì giữ trong mình nên dễ xảy ra tình trạng khủng hoảng”, Thanh Trúc phân tích.

Bên cạnh đó, theo Trúc còn có nguyên nhân bắt nguồn từ sự yêu thích của bản thân với công việc chưa đủ để giúp cô vượt qua sự e ngại về những khó khăn, áp lực trước mắt. Hoặc cũng có thể những điều cô yêu thích, muốn làm chưa thể thực hiện được nên hiện tại chỉ có thể làm việc mình có thể làm.

Hay như câu chuyện của Hùng Trần, một biên kịch trẻ, vốn học chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, từng có 2 năm làm công việc về xuất nhập khẩu trước khi chuyển nghề. “Mọi thứ cứ lặp lại một cách máy móc trước khi tôi biết mình thích viết lách và rồi quyết tâm tập viết dù biết theo nghề này rất khó để mưu sinh”, Hùng Trần tâm sự.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dám mạo hiểm như Hùng Trần, Hồng Nhung (32 tuổi, nhân viên truyền thông) kể: “Dù thấy mình luôn cũ kỹ và nhàm chán với công việc hiện tại, nhưng tôi sợ, nếu từ bỏ sẽ không đảm bảo thu nhập, vì không thể biết trước mình có công việc mới tốt như hiện tại hay không”.

Trên thực tế, cần phải hiểu khủng hoảng là điều tất yếu xảy đến trong các giai đoạn cuộc đời mỗi con người. Khủng hoảng danh tính không đáng sợ. Điều đáng sợ hơn là chúng ta có nhận thức mình đang ở trạng thái nào và làm gì để “trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân”. Theo Hùng Trần, với cá nhân anh, tỷ lệ thích với công việc hiện tại là 60%, còn lại 40% là chịu đựng. Trên thực tế cũng có lúc anh trải qua cảm giác kinh khủng, muốn bỏ cuộc, nhưng niềm đam mê đủ lớn đã giữ anh lại với công việc hiện tại.

Thời điểm cuối năm, các bạn trẻ thường lập danh sách nhìn lại một năm đã qua những việc mình đã làm được và cả chưa làm được. Sẽ có những thứ như ý nguyện, nhưng đôi khi cũng rơi vào trạng thái thất vọng. Nhiều người còn có thói quen lập kế hoạch 5 năm, 10 năm, cũng như định hướng phát triển bản thân. Sau dịch Covid-19, nổi lên trào lưu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai. Trả lời được câu hỏi đó, nghĩa là bạn đã thấu hiểu bản thân và sẽ có hành động đúng để vượt qua khủng hoảng.

Trong tâm lý học, khủng hoảng danh tính, hay khủng hoảng bản sắc (identity crisis) là một lý thuyết được đặt ra bởi nhà tâm lý học người Đức Erik Erikson. Nó là một trạng thái khi chúng ta không hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, tính cách... của chính bản thân. Khủng hoảng định danh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, nhưng thường khá phổ biến ở giai đoạn trưởng thành những năm 20, 30 tuổi.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top