Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động khuyến công

09:06 - Thứ Sáu, 16/02/2024 Lượt xem: 5550 In bài viết

Hơn 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, hoạt động khuyến công cả nước đạt được nhiều kết quả rất khích lệ, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp ở nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình (Hà Nội). (Ảnh Đức Anh)

Theo thống kê, tổng kinh phí từ ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến công của 63 tỉnh, thành phố trong 10 năm (2013-2022) lên tới hơn 2.500 tỷ đồng; vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình hơn 10.500 tỷ đồng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình khi 1 đồng vốn ngân sách đã thu hút được khoảng 4 đồng vốn đầu tư của cơ sở công nghiệp nông thôn.

Luồng sinh khí mới

Khẳng định sự lan tỏa của những gam màu sáng từ chính sách khuyến công là nét chủ đạo nổi bật trong bức tranh của ngành công thương Việt Nam giai đoạn 2013-2023, Cục trưởng Công thương địa phương (Bộ Công thương) Ngô Quang Trung cho biết: Sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công được ban hành, hoạt động khuyến công đã nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp; công tác chỉ đạo triển khai hướng dẫn thực hiện cũng mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ Trung ương tới địa phương đã từng bước được hoàn thiện; các chương trình khuyến công cấp quốc gia, cấp địa phương theo từng giai đoạn ban hành kịp thời, giúp định hướng hoạt động khuyến công phù hợp với kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên phạm vi toàn quốc. Thông qua hoạt động khuyến công, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về công thương địa phương cũng được nâng cao một bước, tạo sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Đặc biệt, nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công ngày càng tăng, từ 188 tỷ đồng năm 2013 lên hơn 323 tỷ đồng năm 2022, phát huy hiệu quả vai trò “vốn mồi” của Nhà nước và thu hút được hơn 10.500 tỷ đồng vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia để phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Từ đó, các hoạt động khuyến công như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến và đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp,… đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa-xã hội, nhất là ở những vùng kinh tế khó khăn.

Cơ cấu ngành kinh tế khu vực nông thôn đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, gia tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, hoạt động khuyến công cũng giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ góc nhìn của địa phương, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Đông Phương khẳng định: Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, hoạt động khuyến công những năm qua đã góp phần quan trọng hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn của Bến Tre. Cụ thể, mỗi năm tỉnh dành ra khoảng 3 tỷ đồng để triển khai các hoạt động khuyến công, qua đó đã và đang phát huy hiệu quả kịp thời giúp các doanh nghiệp cải thiện công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Giai đoạn 2012-2022, hoạt động khuyến công Bến Tre đã hỗ trợ cho 193 dự án với kinh phí thực hiện gần 34 tỷ đồng (vốn đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn hơn 247 tỷ đồng), từ đó tạo ra hơn 6.500 việc làm có thu nhập ổn định.

Công nhân Công ty cổ phần Nam Tiệp (cụm công nghiệp An Xá, tỉnh Nam Định) may quần áo hàng xuất khẩu. (Ảnh TRẦN HẢI)

Cần chính sách mạnh mẽ hơn

Cùng là địa phương đạt nhiều kết quả trong triển khai công tác khuyến công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho hay: Thời gian qua, Quảng Ngãi đã triển khai được 85 đề án, góp sức đáng kể cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Tuy vậy, quá trình triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP tại địa phương vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, công tác tuyên truyền về khuyến công chưa sâu rộng; nội dung quy mô hoạt động chưa phong phú, thiếu các đề án lớn, trọng điểm; đa phần cơ sở công nghiệp nông thôn với tiềm lực tài chính hạn hẹp, khó ứng dụng máy móc thiết bị mới,… Nguyên nhân chủ yếu do nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công còn hạn chế, cũng như sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ. “Khuyến công là quá trình lâu dài, ngoài nỗ lực của địa phương, cần có các chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy địa phương triển khai mạnh mẽ công tác này”, ông Trần Phước Hiền bày tỏ.

Cục trưởng Ngô Quang Trung nhận định: Nghị định số 45/2012/NĐ-CP quy định đa dạng các nội dung hoạt động khuyến công, phù hợp với nhu cầu cần hỗ trợ của cơ sở công nghiệp nông thôn, tuy nhiên lại chưa đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều nội dung hoạt động khuyến công không được quy định nội dung chi hoặc định mức chi, do vậy đã không triển khai được trong thực tế. Bên cạnh đó, nguồn lực của Chương trình dù đã được quan tâm bố trí, nhưng thực tế vẫn còn “nhỏ giọt”, chưa đủ sức hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương.

Mặt khác, hiện nay ở một vài địa phương đang tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công thương theo hướng sáp nhập về đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh với lý do không bảo đảm số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Thực tế này dẫn đến sự không thống nhất về mô hình hoạt động, cách thức quản lý chương trình, triển khai nhiệm vụ chính trị có tính đặc thù đã được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công liên quan.

Chính vì vậy, các địa phương kiến nghị cơ quan quản lý tăng cường nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động khuyến công; đồng thời, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo; chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức của toàn xã hội trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương tỉnh Hà Giang Lê Thị Thu Hằng đề xuất, để chính sách khuyến công góp vai trò lớn hơn đến quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn miền núi, bảo đảm phù hợp bối cảnh tình hình và theo xu thế mới, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung thêm các nội dung hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất; đồng thời, giảm bớt các thủ tục hành chính trong hoạt động hỗ trợ khuyến công cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các cơ quan quản lý cần nâng mức hỗ trợ khuyến công cho các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá bằng công nghệ số để tạo sức lan tỏa cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, bộ sẽ tiến hành rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về công tác khuyến công, bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ cũng sẽ kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữa tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công trực thuộc Sở Công thương tại các địa phương để thuận lợi trong triển khai các hoạt động khuyến công có tính kỹ thuật đặc thù của ngành công thương, nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời, đầu tư nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các đơn vị thực hiện. Công tác khuyến công sẽ được đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn trách nhiệm quản lý với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top