“Đổi rác lấy cây”

10:03 - Thứ Ba, 09/04/2024 Lượt xem: 5925 In bài viết

ĐBP - Sách báo, giấy vụn, vỏ lon nước ngọt, chai lọ nhựa, pin đã qua sử dụng… được quy đổi ra cây xanh. Đó là hoạt động “Đổi rác lấy cây” của Đoàn Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ phối hợp với Đoàn phường Mường Thanh, Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) thực hiện vào cuối tháng 3 vừa qua, nhằm giảm tải lượng rác ra ngoài môi trường, đưa ra thông điệp bảo vệ cuộc sống xanh.

Các em học sinh cùng nhau phân loại rác thải để đổi lấy cây xanh.

Chỉ trong 1 tiếng đồng hồ diễn ra chương trình “Đổi rác lấy cây”, hơn 200 chậu cây cảnh nhỏ xinh đã được trao đến tay các em học sinh và đổi lại là 1 phòng học chứa kín giấy, báo, sách cũ, vỏ lon, chai nhựa. Thông tin về hoạt động được phổ biến rộng rãi qua nhiều kênh khác nhau trên mạng xã hội. Vì vậy đã thu hút được đông đảo các em học sinh tham gia. Cứ 5kg giấy vụn, 25 cục pin đã qua sử dụng, 20 vỏ chai nhựa hoặc 20 vỏ lon đổi lấy 1 cây xanh.

Cô giáo Nguyễn Thùy Dương, Bí thư Đoàn Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Xuất phát từ ý tưởng muốn lan tỏa phong trào trồng cây xanh và bảo vệ môi trường, chúng tôi đã phối hợp với Đoàn phường Mường Thanh, Thanh Bình tổ chức hoạt động “Đổi rác lấy cây”, thu gom phế liệu và đổi lại cho các em học sinh những chậu cây cảnh nhỏ. Thực tế trong mỗi gia đình, cá nhân các em đều sử dụng và xả ra rất nhiều rác thải, trong đó có không ít chai, vỏ nhựa, giấy vụn cũng như số lượng pin thiết bị điện tử… Vứt ra môi trường sẽ gây ô nhiễm, có hại và lãng phí, nếu có thể tái chế sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Để chuẩn bị cho hoạt động này, Đoàn trường đã xây dựng kế hoạch từ đầu tháng 3, tuyên truyền, huy động tới toàn bộ học sinh trong nhà trường. Tuy là lần đầu tổ chức, nhưng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả học sinh; số lượng giấy, sách báo, chai nhựa, pin các em mang đến nhiều hơn số cây xanh mà chúng tôi chuẩn bị.

Bạn trẻ lựa chọn cây xanh mà mình yêu thích sau khi quy đổi số cân giấy, chai lọ nhựa, pin.

Hoạt động được tổ chức tại Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ nhưng không bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà bất cứ ai cũng có thể mang giấy, sách, báo, vỏ chai nhựa… đến để đổi lấy cây. Đối tượng tham gia chủ yếu là học sinh, vì vậy, cây để đổi cũng là những loại cây, như sen đá, xương rồng phù hợp với sở thích của các em do Đoàn phường Mường Thanh tự ươm trồng.

Chị Nguyễn Thị Nhung, Bí thư Đoàn phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Sau chương trình ngày này, chúng tôi sẽ đem bán giấy vụn và các loại rác thải để gây quỹ, tiếp tục ươm trồng cây xanh, chuẩn bị cho hoạt động “Đổi rác lấy cây” vào tháng 5 và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Đây là chương trình có ý nghĩa, hướng tới bảo vệ môi trường, cuộc sống xanh, sạch, đẹp.

Các em học sinh đem rác đổi lấy cây xanh.

Em Nguyễn Huyền Trang, học sinh lớp 10A11, Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ vừa cùng bạn bè phân loại rác thải vừa hào hứng chia sẻ: Ngay khi nhận được thông báo của Đoàn trường, cả lớp chúng em ai cũng mong đến ngày diễn ra hoạt động. Lớp em đã gom được 100 chai nhựa, 10kg giấy vụn, 30 cục pin đã qua sử dụng. Em thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa trong bảo vệ môi trường và mong rằng thời gian tới, Đoàn trường sẽ tiếp tục duy trì mô hình này để mọi người được biết đến nhiều hơn.

Em Phạm Lê Quỳnh Anh, lớp trưởng lớp 12C2, Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Em đã huy động các bạn trong lớp tham gia thu gom giấy, phế liệu của gia đình mình mang đến đổi cây xanh. Cả lớp đã thu gom được 50 cục pin, 30kg giấy vụn, 51 lon, 65 chai nhựa. Em rất vui khi nhận được chậu cây xinh xắn này và biết những phế liệu mà lớp em mang đến có thể làm được những điều có ích.

Những chậu cây nhỏ xinh do Đoàn phường Mường Thanh ươm trồng để đổi lấy rác thải tái chế.

Chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, hoạt động “Đổi rác lấy cây” đã thu về 100 cục pin, gần 100kg giấy vụn và hàng trăm vỏ chai, lọ nhựa. Vì vậy số cây dự kiến ban đầu không đủ để đổi lấy cây xanh. Nhưng các em học sinh đều rất hào hứng và mong chờ hoạt động sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm đã qua sử dụng mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay, từ đó sẽ hình thành những thói quen, lối sống tích cực trong bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top