Ca mắc sốt xuất huyết trong cả nước tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021

14:09 - Thứ Tư, 23/11/2022 Lượt xem: 7345 In bài viết

Hiện cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 115 trường hợp tử vong. Người bệnh thường hay lầm tưởng khi hết sốt là đã khỏi, nhưng đây lại là giai đoạn nguy hiểm nhất. Do đó, theo các bác sĩ, có 3 dấu hiệu quan trọng để căn cứ vào đó người mắc nhận biết đã khỏi bệnh hay chưa. 

 Chăm sóc bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. 

Theo số liệu được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổng hợp từ các địa phương, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,9 lần; số tử vong tăng 91 trường hợp.

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). 

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1, DENV2, DENV4.

Hiện là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội. Dự báo, dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12 tới.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết gây nên bởi vi rút Dengue với 4 kiểu huyết thanh là DENV1, DENV2, DENV3 và DENV4, được truyền cho người bởi muỗi vằn Aedes aegypi. 

Các kiểu huyết thanh khác nhau liên quan đến mức độ nặng khác nhau của bệnh. Cụ thể, DENV2 và DENV3 có thể làm tăng độ nặng của bệnh so với các kiểu huyết thanh khác, còn DENV4 gây bệnh nhẹ hơn.

So với nhiễm Dengue nguyên phát, nhiễm vi rút Dengue thứ phát làm tăng tỷ lệ tràn dịch màng phổi, cổ chướng, giảm tiểu cầu và thoát huyết tương, nhưng không ảnh hưởng đến sự cô đặc máu.

Theo các bác sĩ, khi nào thì biết đã khỏi sốt xuất huyết là băn khoăn của nhiều người. Bởi vì trên thực tế, với những người bị bệnh, sau một vài ngày thấy triệu chứng sốt đã giảm hoặc không còn, dẫn tới lầm tưởng đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây mới thực sự là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh vì tiểu cầu bắt đầu giảm. 

Nếu tình trạng tiểu cầu giảm nhanh và nhiều có thể gây ra các triệu chứng xuất huyết như: Xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam..., thậm chí có thể xuất huyết đường tiêu hóa hay xuất huyết não..., rất nguy hiểm.

Chính vì vậy, căn cứ vào 3 dấu hiệu dưới đây, các bác sĩ sẽ đánh giá bệnh đã thuyên giảm hoặc khỏi: 

- Cơ thể đã giảm dần sự mệt mỏi và bắt đầu thèm ăn hoặc cảm giác ngon miệng quay trở lại.

- Các nốt ban mới không xuất hiện thêm nữa và vết cũ thì bắt đầu mờ dần, cùng với đó, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cũng giảm theo.

- Xét nghiệm tiểu cầu là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tình trạng bệnh đã thuyên giảm hay chưa. Thường thì tiểu cầu sẽ giảm nhanh và nhiều nhất từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 của bệnh, sau đó tiểu cầu bắt đầu tăng trở lại. Khi tiểu cầu tăng trở lại nghĩa là bệnh đang dần hồi phục.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top