Tầm quan trọng của việc tầm soát sớm bệnh ung thư

09:08 - Thứ Tư, 04/01/2023 Lượt xem: 7109 In bài viết

Tỷ lệ phát hiện ung thư giai đoạn sớm ở Việt Nam khá thấp, dưới 30%. Nhiều bệnh nhân phát hiện ra bệnh lúc đã muộn, khả năng chữa trị dứt điểm không còn, việc điều trị càng trở nên khó khăn, tốn kém.

Người dân nên khám tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện và điều trị sớm, hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Minh

Ung thư không phải là bệnh “vô phương cứu chữa”

Ung thư là tình trạng các tế bào bất thường tăng trưởng không kiểm soát, dẫn tới xâm lấn và phá hủy cấu trúc mô bình thường của cơ thể. Theo nghiên cứu, có tới hơn 200 loại ung thư, trong đó, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư vú... có tỷ lệ tử vong cao nhất. Ung thư không phải bệnh “vô phương cứu chữa”, bởi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ chữa khỏi là tương đối cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, hiện nay, khoảng trên 70% số người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản; phát hiện muộn thì điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Đây là lý do chính khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển.

Nếu phát hiện sớm thì hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa trị hiệu quả bằng phương pháp phù hợp. Đối với giai đoạn rất sớm, người bệnh có thể chỉ cần được loại bỏ khối u mà không cần bổ sung thêm phương pháp hỗ trợ nào khác như hóa trị, xạ trị... Điều này sẽ giúp giảm tối đa chi phí điều trị, giảm các tác dụng phụ và biến chứng.

Với ung thư vú (loại ung thư phổ biến ở phụ nữ), điều trị ở giai đoạn sớm cho tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 99%, nhưng ở giai đoạn muộn thì tỷ lệ sống chỉ còn 23%. Với ung thư đại trực tràng, tỷ lệ sống sót sau 5 năm nếu được phát hiện sớm lên tới 90% và giảm xuống chỉ còn 9% ở giai đoạn muộn... Ngày càng có nhiều phương pháp điều trị khối u hiệu quả với các loại ung thư được phát hiện sớm như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.

Vì sao chậm phát hiện bệnh?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc người bệnh phát hiện bệnh muộn, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn, tỷ lệ sống thấp.

Theo thống kê, có khoảng 25% bệnh nhân phát hiện ra ung thư khi đang nhập viện cấp cứu tại bệnh viện vì một triệu chứng nào đó. Hầu hết các bệnh nhân này có cơ hội sống thấp hơn so với các bệnh nhân khác, vì khi đó tình trạng bệnh đã trở nên quá nặng.

Ngoài ra, nhiều người Việt Nam vẫn còn tâm lý ngại đến bệnh viện thăm khám thường xuyên, không có thói quen khám bệnh định kỳ. Do vậy, khi gặp phải các dấu hiệu bệnh, họ thường không đi khám mà tự ý mua thuốc uống. Trong khi đó, hầu hết các triệu chứng của ung thư thường không xuất hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không nên bỏ qua một số dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư như vấn đề đại tiểu tiện (tiểu nhiều lần, tiểu máu, phân có nhầy máu...), đau bất kỳ vị trí nào và dai dẳng không rõ nguyên nhân; ho dai dẳng và khàn giọng; chảy máu, tiết dịch bất thường từ mũi, đường tiêu hóa, sinh dục hay tiết niệu.

Ngoài ra, sự xuất hiện u cục bất thường ở vú hay bất kỳ vị trí nào khác; mụn cơm, nốt ruồi với kích thước, màu sắc, hình dạng, độ dày có sự thay đổi theo thời gian; sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của ung thư. Người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay, tại nhiều bệnh viện đã có các gói tầm soát ung thư toàn diện dành riêng cho nam và nữ hoặc các gói khám tầm soát ung thư lẻ cho từng bộ phận. Gói khám thường bao gồm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng... để giúp phát hiện sớm khối u trên toàn cơ thể và các chất chỉ điểm ung thư. Đồng thời, gói khám còn giúp phát hiện các vấn đề về sức khỏe khác như bệnh mỡ máu, cao huyết áp, gout, tiểu đường... Để tầm soát ung thư, có các phương pháp như khám lâm sàng kết hợp với xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm, chụp X-quang. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ thì có thể chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ và một số kiểm tra chuyên sâu khác. Ngoài ra, các xét nghiệm giải trình tự gene có thể giúp xác định các đột biến di truyền gây ung thư, từ đó, bác sĩ đưa ra chiến lược theo dõi hoặc can thiệp bệnh hiệu quả.

Người dân không nên bỏ qua việc khám tầm soát ung thư định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh sớm và điều trị ngay khi bệnh còn ở giai đoạn “trứng nước”.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top