Chủ động phòng ngừa bệnh lao phổi

09:02 - Thứ Hai, 09/01/2023 Lượt xem: 6614 In bài viết

ĐBP - Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Theo thống kê, năm 2022 toàn tỉnh phát hiện và điều trị cho 160 bệnh nhân lao các thể; trong đó, 83 bệnh nhân lao phổi dương tính.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh chăm sóc bệnh nhân lao.

Bệnh lao lây truyền chủ yếu từ thể lao phổi, lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp, khi hít phải vi trùng lao có trong không khí bay ra từ dịch tiết mũi, họng của bệnh nhân lao phổi. Thông thường vi khuẩn lao vào phổi gây bệnh ở phổi hoặc theo đường máu hoặc bạch huyết đến các cơ quan khác trong cơ thể gây bệnh.

Các triệu chứng của người nghi lao phổi như: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra có thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở.

Anh Lò Văn Kh. xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) cho biết: Khi thấy người mệt mỏi, ho nhiều, hay sốt về đêm, tôi đã chủ động đến Bệnh viện Phổi tỉnh để khám bệnh. Qua khám, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh lao phổi. Sau hơn 2 tuần điều trị đến nay, bệnh của tôi đã đỡ, được ra viện về điều trị ngoại trú tại nhà, hàng tháng ra lấy thuốc tại trạm y tế xã, không phải đi lại vất vả. May mắn cho tôi khi phát hiện bệnh kịp thời, không để lây cho người thân trong gia đình và cộng đồng.

Bệnh lao thường phải điều trị dài ngày và phải tuân thủ theo đúng phác đồ. Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát. Nhiều người bệnh đã tự ý bỏ điều trị giữa chừng, hoặc điều trị không đúng phác đồ về thời gian, liều lượng dẫn đến bệnh ngày càng trầm trọng. Đây còn là nguyên nhân chính, làm xuất hiện các vi khuẩn lao đa kháng thuốc.

Bác sĩ Lê Văn Lương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số người mắc lao có nguy cơ tăng lên. Ở những người mắc Covid-19 và lao, phổi là mục tiêu chủ yếu bị tấn công; các triệu chứng ban đầu cũng tương tự nhau như: Ho, sốt, khó thở, mệt mỏi. Tuy nhiên, bệnh lao có thời gian ủ bệnh dài hơn, khởi phát chậm hơn so với Covid-19. Do vậy, khi một người mắc cả lao và Covid-19, tổn thương phổi sẽ có nguy cơ nặng hơn so với những người chỉ mắc một trong hai bệnh. Để phòng, chống bệnh lao trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hiện nay, Bệnh viện vẫn tích cực hướng dẫn, tư vấn, khám và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm lao; ứng dụng những kiến thức và phác đồ điều trị mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời, thực hiện chiến lược tăng cường phát hiện bệnh lao, bằng cách chuyển từ phát hiện thụ động sang phát hiện chủ động, tiến tới cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Góp phần chấm dứt bệnh lao trên toàn quốc. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trước nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm bệnh lao, mọi người cần chủ động phòng bệnh lao phổi bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi xuất hiện những biểu hiện sớm của bệnh như: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần, ho nhiều về đêm, kèm theo sốt nhẹ hoặc vừa, cơ thể mệt mỏi chán ăn, lười vận động dẫn đến gầy sút cân thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Hạn chế mức độ lây lan bệnh lao trong cộng đồng, đặc biệt là những người thân trong gia đình.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top