Cảnh báo tình trạng “tự làm bác sĩ”

09:51 - Thứ Ba, 07/02/2023 Lượt xem: 5606 In bài viết

Ốm sốt, hen suyễn, tiểu đường… nhưng không đi khám bác sĩ, hoặc có đi khám nhưng không uống theo đơn thuốc bác sĩ kê mà tự mua thuốc về uống, hoặc uống lại đơn thuốc cũ, khiến nhiều người nguy kịch tới tính mạng. Ra Tết, nhiều cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân “tự làm bác sĩ” vào cấp cứu trong tình trạng rất nặng.

 

Uống thuốc Nam trên mạng, suy thận phải thở máy

Tới Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi gặp trường hợp ông N.T.T (63 tuổi, Hà Nội) suy thận, toan chuyển hoá, đang phải thở máy. Theo vợ ông T, ông vào TP Hồ Chí Minh làm ăn nhưng thỉnh thoảng vẫn bay ra Hà Nội. Hai năm trước, ông được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bác sĩ kê đơn và yêu cầu tái khám định kỳ. Cách đây 6 tháng, ông xem quảng cáo trên mạng bán thuốc Nam gia truyền chữa khỏi bệnh tiểu đường, ông đã bỏ điều trị và mua thuốc Nam về uống. Ngày 29 Tết, sau khi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, ông đến bệnh viện khám, phát hiện suy gan và chỉ số đường huyết tăng rất mạnh. Qua Tết, sức khỏe của ông suy yếu nhanh chóng, xuất hiện triệu chứng lơ mơ, gia đình đưa ông vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây ông được chẩn đoán suy thận, toan chuyển hoá. “Tôi không biết ông ấy uống thuốc Nam gì, chỉ thấy quảng cáo trên mạng kêu là tốt, nên ông ấy bỏ điều trị tôi cũng không cản. Ai ngờ uống thuốc này lại dẫn tới nguy kịch như thế”, vợ ông T nói.

Tình trạng người bệnh tiểu đường bỏ điều trị, tự ý mua thuốc Nam trôi nổi về uống diễn ra khá nhiều. Hầu hết những người này sau một thời gian uống thuốc Nam, bệnh không khỏi mà còn diễn biến nặng hơn, thậm chí còn suy thận, suy gan, suy đa tạng phải lọc máu. Tuy các bác sĩ đã cảnh báo, song nhiều người vẫn tin vào những lời quảng cáo “chữa khỏi bệnh tiểu đường” nhan nhản trên mạng, thậm chí còn “mượn” hình ảnh bác sĩ, hoặc sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo, khiến nhiều người tin là thật.

Ảnh minh họa.

Cách đây chưa lâu, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu cho cụ bà 75 tuổi bị ngộ độc phenformin sau khi dùng thuốc Nam điều trị đái tháo đường. Cụ bà có tiền sử đái tháo đường 15 năm và dùng thuốc đều đặng theo đơn của bác sĩ. Nhưng thời gian gần đây, cụ bỏ điều trị, không duy trì đơn thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ mà sử dụng thuốc Nam của lang y trên mạng. Sau 1 tháng sử dụng, cụ bà có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân, gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y cấp cứu. Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, xét nghiệm viên thuốc Nam cụ bà sử dụng có thành phần phenformin – một loại thuốc đái tháo đường cũ đã bị cấm cách đây 30 năm. Do bị ngộ độc phenformin, cụ phải lọc máu, điều trị tích cực, sau 2 ngày thì dần hồi phục.

Trường hợp khác là ông B.N.V bị tiểu đường 20 năm, cứ ở đâu có người khỏi bệnh, ông tìm tới mua về uống. Sau nhiều ngày uống thuốc viên dạng tròn và túi thuốc bột không có tem nhãn, ông V bị kích thích, vật vã, tụt huyết áp phải vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu. Kết quả thăm khám cho thấy ông bị suy thận, suy đa tạng, toan chuyển hoá, toan lactic rất nặng. Theo bác sĩ cho biết, ông vào viện chậm 5 phút nữa là sẽ ngừng tim. Bác sĩ đặt nội khí quản, truyền dịch, cho sử dụng thuốc vận mạch, lọc máu cấp cứu. Kết quả xét nghiệm viên thuốc mà bệnh nhân sử dụng có thành phần phenformin.

Suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh do cha mẹ “tự làm bác sĩ”

Cuối tháng 1 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi N.P.A (15 tuổi, Thái Bình) trong tình trạng tím tái, ngừng tuần hoàn, suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng do tự sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp, không sử dụng thuốc bác sĩ kê. Được chẩn đoán hen phế quản từ lúc 7 tuổi, nhưng bệnh nhi không điều trị dự phòng. Năm 2019, gia đình đưa con lên khám tại Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương và chẩn đoán trẻ mắc hen phế quản chưa kiểm soát, các bác sĩ đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản, khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ uống thuốc.

Một tuần trước khi vào viện, cháu P.A ho nặng kèm theo khó thở, cha mẹ không cho đi khám, ở nhà tự sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp. Tuy nhiên, cơ hen cấp vẫn diễn biến nặng, không đáp ứng với các thuốc xịt và khí dung. Ngày 15/1, trong cơn hen phế quản cấp không được điều trị bởi bác sĩ, cháu P.A đã bị tím tái, ngừng tuần hoàn do thiếu oxy, được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng. Mặc dù đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, thuốc vận mạch, thuốc giãn phế quản, lọc máu… tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng thuốc theo đơn cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ chuyển biến nặng. Đặc biệt, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top