Khó duy trì vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã

09:01 - Thứ Tư, 22/02/2023 Lượt xem: 5938 In bài viết

ĐBP - Theo quy định của Bộ Y tế, xây dựng và phát triển vườn thuốc nam là một trong những tiêu chí bắt buộc khi xây dựng trạm y tế đạt yêu cầu và cũng là tiêu chí chấm điểm xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Vườn thuốc nam phải có trên 40 loại cây, thuộc 9 nhóm dược liệu; phải có bảng hướng dẫn về công dụng của từng cây thuốc. Tuy nhiên, việc duy trì và phát huy hiệu quả các vườn thuốc nam đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát huy được vai trò chữa bệnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng tuyên truyền giới thiệu công dụng của cây lá náng đến người dân.

Hiện nay, 10/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Ảng đều có vườn cây thuốc nam mẫu trồng tại trạm y tế. Phổ biến trồng các loại cây như: Ngải cứu, hương nhu, chanh, sả, tía tô, gừng, hẹ, rẻ quạt, đinh lăng, lá náng, huyết dụ, sài đất, kim ngân, diếp cá... Những loại cây thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm mạo, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, đau nhức cơ xương khớp...

Bà Mai Thị Mây, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng cho biết: Cùng với phát huy chuyên môn nghiệp vụ khám chữa bệnh ban đầu theo phương pháp tây y, Trạm đã chú trọng phát triển và sử dụng hiệu quả vườn cây thuốc nam tại trạm, với các loại cây thuốc thường gặp, dễ trồng; sử dụng chữa các loại bệnh, điển hình nhất là bệnh ngứa, tiêu chảy rất hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn người dân cách nhận biết, công dụng của các cây thuốc nam chữa các bệnh thường gặp. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu y học cổ truyền nên việc chữa bệnh theo phương pháp đông y chưa được triển khai. Ngoài ra việc duy trì đủ số lượng cây thuốc gặp khó khăn, bởi các loại cây thuốc thường phụ thuộc vào mùa. Việc chăm sóc, phát triển được vườn thuốc và sử dụng hiệu quả đòi hỏi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và kinh phí...

Chị Lò Thị Inh, người dân xã Ẳng Nưa cho biết: Gia đình tôi rất ít khi sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh thông thường mà sử dụng thuốc tây cho nhanh. Nhưng từ khi đến Trạm Y tế xã khám bệnh được các bác sĩ tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng kết hợp các bài thuốc nam trong chữa các bệnh thông thường (ho, tiêu chảy...) cho trẻ nhỏ. Gia đình tôi đã áp dụng và thấy hiệu quả rõ rệt nên tôi xin một số cây về trồng trong vườn nhà để tiện sử dụng. Cháu nhà tôi còn nhỏ, bé rất hay mắc những bệnh về hô hấp, sốt, ngoài da... nhất là trong thời điểm giao mùa, bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y theo đơn kê của bác sĩ, tôi còn lấy lá hẹ, húng chanh hấp mật ong cho con uống để giảm cơn ho.

Rõ ràng thuốc nam có hiệu quả rất tốt trong điều trị bệnh, nhất là khi kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa hạn chế khả năng xảy ra tác dụng phụ đối với người bệnh. Thực tế hiện nay, mặc dù trên địa bàn huyện, hầu hết các trạm y tế đều được quy hoạch khu vực vườn thuốc nam và nhiều trạm đã xây dựng được vườn thuốc mam khá đầy đủ và quy mô. Bên cạnh đó, ở một số trạm y tế vườn thuốc nam vẫn chưa được chú trọng, số lượng cây thuốc theo 9 nhóm dược liệu chưa đạt; thiếu sự chăm sóc, nên cây thuốc còi cọc, khô héo, cỏ dại mọc um tùm...

Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho biết: Hiện nay, 10/10 Trạm Y tế xã trên địa bàn huyện có vườn thuốc nam mẫu. Tuy nhiên, công tác phát triển thuốc nam tại các trạm y tế xã còn gặp nhiều khó khăn. Tuy có vườn đảm bảo về mặt diện tích (từ 50 - 60m2) song không đủ về số lượng cây thuốc theo quy định. Việc ứng dụng thuốc nam vào điều trị tại trạm y tế còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, chuyên khoa y học cổ truyền. Các cán bộ chủ yếu được đào tạo định hướng, không được đào tạo cơ bản và chuyên sâu; trang thiết bị thiếu, chưa có trang thiết bị để sơ chế, chế biến thuốc. Ngoài ra, kinh phí cho hoạt động y tế xã eo hẹp, khó đầu tư cho hoạt động y học cổ truyền nói chung và vườn thuốc nam nói riêng. Người dân chưa chú trọng đến việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Để phát huy hiệu quả vườn thuốc nam tại trạm y tế xã, ngành Y tế, cần có những cơ chế, chính sách để phát triển vườn cây thuốc nam; tăng cường đào tạo, bố trí cán bộ y học cổ truyền về các trạm y tế; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top