Ngành Y tế Điện Biên phát triển đáp ứng yêu cầu tình hình mới

08:31 - Thứ Năm, 27/04/2023 Lượt xem: 4253 In bài viết

Vừ A Bằng                

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

ĐBP - Trong 70 năm qua (1953 - 2023), cùng với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, của đất nước, ngành Y tế tỉnh Điện Biên đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt; chất lượng các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. Những thành tựu to lớn ngành Y tế tỉnh đạt được trong 7 thập kỷ qua đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên hôm nay...

Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại bản Gia Phú A, xã Na Tông, huyện Điện Biên năm 2021. Ảnh: C.T.V

Cách đây 70 năm (ngày 1/5/1953) ngành Y tế tỉnh Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ) với bộ máy sơ khai đã được thành lập với vô vàn khó khăn, thiếu thốn: Cơ sở vật chất, thuốc men thiếu thốn; nhân lực hạn hẹp; dịch bệnh các loại hoành hành; trình độ, nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế... Để thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc, ngành Y tế Điện Biên, các thế hệ cán bộ, y, bác sĩ Điện Biên đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên trì, sáng tạo từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển của tỉnh.

Ngày đầu thành lập, trong điều kiện sơ khai, ngành Y tế đã làm tốt công tác khám, chữa bệnh, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chăm sóc sức khỏe, hậu cần phục vụ chiến đấu và làm hậu phương xây dựng nơi cấp cứu cho chiến sĩ ở vùng cao Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên; cấp cứu và đào tạo cứu thương để chuẩn bị phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ... Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngành Y tế tiếp tục duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, tham gia phát triển sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội... Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước hoàn toàn độc lập, non sông về một mối (30/4/1975); cùng với cả nước, ngành Y tế tỉnh Điện Biên tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh...

Từ những ngày đầu thành lập với muôn vàn khó khăn thiếu thốn; từ công tác khám bệnh, ban đầu với nhiệm vụ chính chỉ là cứu thương; thì nay ngành Y tế Điện Biên đã làm chủ được các kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Công tác dược đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ thuốc cho phòng chống dịch, khám chữa bệnh, phòng chống thiên tai thảm họa phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân... Tổ chức bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng hoạt động đã lớn mạnh về mọi mặt.

Để có được những thành tựu đó, là sự cống hiến, nỗ lực hết mình; hi sinh mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của các thế hệ cán bộ, y, bác sĩ Điện Biên qua các thời kỳ; đặc biệt là những cán bộ đã lát những “viên gạch” đầu tiên cho Ngành Y tế hôm nay: Đồng chí Đặng Văn Quỳnh, Hoàng Long, Trần Tùng, Hồ Tấn Hải... Ghi nhận những nỗ lực, cống hiến đó, đã có nhiều tập thể, cá nhân thuộc ngành Y tế tỉnh được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận đó; ngành Y tế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần phải thẳng thắn nhìn nhận: Tổ chức mạng lưới y tế tuyến cơ sở còn có những hạn chế về quản lý nhà nước, bất cập về biên chế, thành phần và cơ cấu cán bộ. Các chỉ số sức khoẻ trên địa bàn toàn tỉnh đã được cải thiện, tuy nhiên còn thấp hơn so với toàn quốc và khu vực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu; tuyến tỉnh, vẫn còn 1 bệnh viện chưa được đầu tư cơ sở để làm việc; 1 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chưa được đầu tư cơ sở vật chất để làm việc, phải ở nhờ các đơn vị khác trong ngành; tuyến huyện: Một số trung tâm y tế đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị; 25 trạm y tế cần đầu tư xây mới và 63 trạm y tế cần nâng cấp, sửa chữa để đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe hiệu quả hoạt động chưa cao, do trang thiết bị, phương tiện truyền thông cơ bản tuyến xã còn rất thiếu, kinh phí không đáp ứng được nhu cầu hoạt động, nhân sự không ổn định. Xã hội hóa y tế, liên danh liên kết phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế...

Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là một công việc đặc biệt, liên quan đến tài sản vô giá là sinh mệnh con người. Cán bộ y tế phải không ngừng rèn luyện, gắn kết “đức và tài”, phải có cái tâm trong sáng mới làm được nghề cao quý này. Để phát huy truyền thống và thành tựu mà ngành Y tế đạt được trong 70 năm qua; nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, xứng đáng với lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”, trong thời gian tới ngành Y tế cần quan tâm, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, Tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Hai là, tuyên truyền giáo dục thực hiện 12 điều y đức, quy tắc giao tiếp ứng xử gắn với đào tạo chuyên môn y, nghiệp vụ cho cán bộ y tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành y tế có nghiệp vụ chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức trong sáng, vừa có ý thức phục vụ nhân dân và người bệnh vô điều kiện, thể hiện đúng bản chất “lương y phải như từ mẫu”.

Ba là, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bốn là, đẩy mạnh triển khai đồng bộ và hiệu quả công tác y tế - dân số; chú trọng nâng cao năng lực mạng lưới y tế dự phòng các tuyến để có đủ khả năng dự báo dịch bệnh, đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm, không để các loại dịch bệnh xảy ra; triển khai hiệu quả các mục tiêu y tế - dân số trên địa bàn, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, khống chế HIV/AIDS, giảm tử vong mẹ và trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Tăng cường công tác khám, chữa bệnh và khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm cho mọi người dân khi ốm đau đều được khám, chẩn đoán, chữa trị và chăm sóc chu đáo; trong đó, đặc biệt quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngành Y tế cũng phải quan tâm phát triển đồng bộ y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, đưa y học, y tế tỉnh ta theo kịp với trình độ của các tỉnh trong khu vực và trong nước.

Năm là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, phát huy các nguồn lực phát triển công tác y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước và góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo QP-AN, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm giảm phiền hà cho người dân, người bệnh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số trong toàn ngành.

Bảy là, xây dựng kế hoạch phát triển ngành Y tế đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch của quốc gia, phù hợp phát triển KT-XH của tỉnh và phù hợp với yêu cầu phục vụ nhân dân. Đảm bảo sự phát triển hệ thống theo hướng chất lượng, toàn diện từ tuyến tỉnh, đến huyện và xã, chú trọng phát triển đầu tư chuyên sâu tại tuyến tỉnh về công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và dược.

Tám là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong ngành y tế, tăng cường chất lượng các đề tài, công trình nghiên cứu để ứng dụng hiệu quả vào hoạt động của từng đơn vị, địa phương và toàn ngành, phục vụ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Chín là, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án, các nguồn vốn đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, tăng cường vai trò lãnh đạo, phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền và sức mạnh tổng hợp các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Huy động các nguồn lực hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích thúc đẩy phát triển hệ thống y tế ngoài công lập, tạo nguồn lực cho việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bình luận

Tin khác

Back To Top