Thầm lặng nghề điều dưỡng

09:21 - Thứ Sáu, 27/10/2023 Lượt xem: 6022 In bài viết

ĐBP - Được tận mắt chứng kiến những buổi làm việc của nhiều điều dưỡng viên tại các bệnh viện, chúng tôi mới thấu hiểu được đây là nghề vất vả đến nhường nào. Sự tận tâm và những hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và sự tin yêu của nhân dân.

Chị Hoàng Thị Tiến, điều dưỡng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc bệnh nhi tại phòng đơn nguyên sơ sinh.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên, năm 2011, chị Hoàng Thị Tiến nhận công tác điều dưỡng tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và gắn bó đến hiện tại. Hơn 12 năm công tác, chị Tiến đã dày dạn kinh nghiệm điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhi, nhất là các bé sơ sinh gặp vấn đề sức khỏe. Đối với chị, đã bước chân theo nghề, lúc nào cũng phải trong tâm thế sẵn sàng cố gắng chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhi, để các bạn nhỏ nhanh chóng trở về với gia đình. Coi bệnh nhi như con em của mình, chăm sóc bằng tất cả tâm huyết, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, không để có vấn đề gì xảy ra.

Trong căn phòng đơn nguyên sơ sinh với 6 bệnh nhi, chị Tiến chăm chú làm nhiệm vụ của mình, nhanh nhẹn kiểm tra các thiết bị gắn trên người bệnh nhân, vệ sinh thân thể, thay bỉm, mát xa… cho bệnh nhi. Chị Tiến tâm sự: Hàng ngày, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân từ sơ sinh non yếu, nhẹ cân, có những bạn từ 700 - 800gram tới những bạn dưới 15 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo. Làm trong đơn nguyên sơ sinh, với những em bé nhỏ, nhẹ cân sẽ chăm sóc toàn diện, từ tắm, vệ sinh cho các bé, ở ngoài thì phối hợp cùng với gia đình bệnh nhi chăm sóc. Trông những em bé ở đơn nguyên sơ sinh, chúng tôi không dám lơ là, ngoài thực hiện y lệnh, phải luôn bám sát, không được rời mắt khỏi trẻ. Mọi chỉ số sinh tồn, biểu hiện bất thường cần được phát hiện ngay; nhất là những lúc có đến 19 - 22 em bé nằm ở đó, cả đêm thức trắng chăm lo những em bé bị vàng da, nôn trớ rồi quay cuồng cho các con ăn, thay bỉm… Ở nhà một mẹ, một con hoặc có thêm người thân giúp đỡ, ở đây chỉ có 3 điều dưỡng thay nhau chăm sóc. Hiện tại, thời điểm giao mùa nên tại khoa đông bệnh nhân, phải căng mình để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lúc nào khoa phòng cũng trong tình trạng quá tải, nhưng chúng tôi cùng động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn.

Trong quá trình 12 năm công tác, đã chăm sóc rất nhiều bệnh nhi, nhưng có một trường hợp năm 2019, sinh non lúc 27 tuần, nặng 900gram được chị chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 2 tháng đến khi bệnh nhi xuất viện trong niềm vui vô bờ của y bác sĩ và gia đình làm chị nhớ mãi. Vì  nuôi trẻ sinh non thiếu tháng rất vất vả, khả năng chống đỡ lại vi khuẩn bên ngoài kém, quá trình nuôi có những đợt bệnh nhi nhiễm khuẩn, điều trị dai dẳng, sút cân rồi lại lên cân. Nhưng khi bệnh nhi ấy ra viện với cân nặng 1,9kg ai cũng vui mừng, thở phào nhẹ nhõm như chính con mình được ra viện vậy.

Anh Phạm Văn Đông, điều dưỡng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc trẻ sinh non.

Là điều dưỡng “mì chính cánh” duy nhất tại khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), anh Phạm Văn Đông luôn tận tình chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư bệnh nhân. Một ngày của anh Đông bắt đầu từ 7 giờ sáng với những công việc thực hiện y lệnh của bác sĩ: Tiêm, truyền, phát thuốc. Nhưng công việc ấy không phải vận hành như một “cỗ máy”, với người bệnh và người nhà bệnh nhân, anh còn là bạn tâm giao. Bệnh nhi khi bị ốm thường hay quấy khóc, mệt mỏi, bố mẹ thì lo lắng, những lúc ấy, anh Đông còn trở thành chuyên gia tâm lý, xem người bệnh, người nhà người bệnh như là người thân trong gia đình, nhẫn nại lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng, động viên tinh thần, chia sẻ cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, giúp bố mẹ thêm yên tâm. Với anh Đông, được cống hiến, chăm sóc và chứng kiến những bệnh nhi nhanh chóng hồi phục sức khỏe, trở về bên gia đình là niềm vui, hạnh phúc của người điều dưỡng.

Chị Trần Thị Tâm, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Bé nhà tôi bị viêm phổi RSV, khi vào điều trị tại Khoa Nhi, được các điều dưỡng chăm sóc tận tình, cẩn thận, tư vấn cách chăm sóc cháu, giúp tôi bớt lo lắng hơn. Tôi cảm ơn các điều dưỡng đã chăm sóc bé nhà tôi những ngày qua.

Hơn 12 năm công tác, với chị Nguyễn Thị Chuyền, điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, hạnh phúc đơn giản mỗi ngày là được trực tiếp chăm sóc, giúp đỡ người bệnh và hạnh phúc sẽ được nhân đôi khi họ khỏe mạnh, sớm ra viện. Chị Chuyền chia sẻ: Công việc hàng ngày của tôi là giúp đỡ bệnh nhân ăn uống, vận động đi lại, ngoài ra còn thực hiện dịch vụ kĩ thuật tiêm truyền, rửa thay băng, chăm sóc những vết loét, ống mở khí quản của bệnh nhân nặng. Công việc lặp đi lặp lại, nhiều khi rất mệt mỏi nhưng chỉ cần thấy bệnh nhân có tiến triển một chút đã thấy phấn khởi, tự động viên mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Nhiệt huyết với nghề, lòng yêu nghề, sự hồi phục của bệnh nhân là động lực to lớn đã giúp chúng tôi tiếp bước.

10 năm bị tai biến thì có 9 năm bà Đinh Thị Hòa, tổ 2, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) điều trị tại Bệnh viện Y dược cổ truyền -  Phục hồi chức năng tỉnh. Bà Hòa đã coi bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của mình, những điều dưỡng như người thân trong gia đình. Bà Hòa tâm sự: “9 năm tôi điều trị tại đây, các điều dưỡng luôn nhiệt tình quan tâm, chăm sóc. Hàng ngày, tôi được đo huyết áp, phát thuốc, hướng dẫn cách uống tỉ mỉ, cẩn thận. Tôi rất yên tâm khi điều trị ở đây”.

Vẫn biết chọn nghề điều dưỡng là lựa chọn con đường nhiều vất vả, áp lực, nhưng mỗi điều dưỡng đều có một lý do riêng để đến với nghề và dù có lý do gì đi nữa thì ở họ vẫn có một điểm chung là lòng yêu nghề sâu sắc, sự tận tâm và can đảm, tình thương, trách nhiệm với người bệnh.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top