Sống lành mạnh phòng bệnh đái tháo đường

14:25 - Thứ Ba, 14/11/2023 Lượt xem: 5769 In bài viết

ĐBP - Trước thực trạng bệnh nhân đái tháo đường ngày càng trẻ hoá và tiếp tục gia tăng, Liên hợp quốc đã lựa chọn ngày 14/11 hàng năm làm ngày Đái tháo đường thế giới. Với mục đích kêu gọi tất cả mọi người có trách nhiệm quan tâm đến bệnh đái tháo đường, nâng cao hiểu biết và thúc đẩy các hoạt động phòng chống đái tháo đường trong cộng đồng. 

Bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh thăm khám cho bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại khoa.

Trên 60% bệnh nhân chưa được phát hiện

Thống kê của Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh ước tính có 12.720 bệnh nhân đái tháo đường. Trong đó, số bệnh nhân được phát hiện là 4.866 người (chiếm 38,25%). Như vậy, có trên 60% người bệnh đái tháo đường không biết mình mắc bệnh. 

Sau hơn nửa năm thường xuyên gặp phải các triệu chứng như mất ngủ, sụt cân, đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước, anh Trần Văn Lực, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) quyết định đến Trung tâm Y tế huyện Điện Biên thăm khám sức khoẻ. Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết anh Lực bị đái tháo đường. Anh Lực cho biết: Do bệnh tiểu đường tiến triển âm thầm, bản thân tôi lại không thường xuyên tìm hiểu các thông tin về căn bệnh này. Khi những triệu chứng của bệnh trở nên rõ rệt, cảm thấy cần đi khám sức khoẻ thì tôi đã bị tiểu đường type 1.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp – Dinh dưỡng, Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Đái tháo đường còn gọi là bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hóoc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không nhận biết được triệu chứng của bệnh và thường chỉ phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi làm xét nghiệm kiểm tra, điều trị bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nhân tiểu đường type 2 đến bệnh viện khi đã có các biến chứng nặng nề do không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bà Trần Thị Chiều, tổ 6, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) uống thuốc kiểm soát đường huyết hàng ngày.

Quản lý bệnh nhân từ cơ sở

Bà Trần Thị Chiều, tổ 6, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) bị đái tháo đường đã 10 năm. Thời gian đầu, bà Chiều quản lý, điều trị ngoại trú tại Trung tâm Y tế thành phố. Từ khi Trạm Y tế phường Thanh Bình quản lý, điều trị bệnh nhân đái tháo đường, bà Chiều được giới thiệu về đây thăm khám, lấy thuốc định kỳ.

Bà Chiều cho biết: “Việc khám, điều trị và quản lý bệnh tại Trạm Y tế phường giúp tôi thuận lợi hơn trong việc di chuyển vì khoảng cách từ nhà đến trạm chưa đầy 1km. Khi đi khám, lấy thuốc tại trạm tôi không phải chờ đợi, các bác sĩ cũng rất quan tâm, tư vấn kỹ càng về chế độ sinh hoạt, ăn uống”.

Cách nhà bà Chiều không xa, bà Lê Thuý Lan, tổ 5 phường Thanh Bình cũng hơn 20 năm chung sống với căn bệnh đái tháo đường. Nhờ duy trì điều trị, chủ động đến cơ sở y tế để được kiểm tra nước tiểu, thử máu và lấy thuốc; đến nay chỉ số đường huyết của bà Lan đã ổn định.

Trạm Y tế phường Thanh Bình đang quản lý, điều trị 165 bệnh nhân đái tháo đường. Bác sĩ Vũ Văn Phương, Trạm Y tế phường Thanh Bình cho biết: Từ năm 2022, trạm bắt đầu quản lý, điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường được chuyển về từ Trung tâm Y tế thành phố. Khi đến khám tại trạm, các bệnh nhân đều được xét nghiệm đường huyết mao mạch, đo huyết áp, tư vấn về chế độ dinh dưỡng, cấp phát thuốc. Với những trường hợp có chỉ số đường huyết tăng cao sẽ được hướng dẫn chuyển tuyến trên theo dõi, điều trị.

Toàn tỉnh hiện có 4.617 bệnh nhân đái tháo đường đang được quản lý điều trị tại các cơ sở y tế (chiếm 94,88% bệnh nhân được phát hiện bệnh). Việc triển khai hiệu quả công tác này góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; hạn chế tỷ lệ người tiền mắc bệnh, mắc bệnh tại cộng đồng, làm giảm tỷ lệ tàn tật và tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm.

Sống lành mạnh để phòng bệnh

Tại Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, số bệnh nhân đến khám và điều trị đái tháo đường có xu hướng tăng lên và trẻ hoá về độ tuổi. Nếu như trước đây, bệnh nhân chủ yếu từ 50 tuổi đến hơn 70 tuổi, thì hiện tại Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân chỉ khoảng 40 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến cho biết thêm: Vấn đề quan trọng nhất trong dự phòng bệnh đái tháo đường là tích cực thay đổi lối sống, điều này càng quan trọng hơn đối với những người có yếu tố nguy cơ. Trong đó, ăn uống là yếu tố quan trọng, chế độ ăn cần cân bằng giữa các nhóm dưỡng chất, tăng cường rau xanh và vitamin, tăng cường chất xơ, ít chất béo. Về chế độ luyện tập thì thực hiện các hoạt động thể lực, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên ở mức độ phù hợp với sức khoẻ cho phép, giúp tiêu hao glucose trong cơ thể. Đồng thời hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì, có tác dụng phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng những người bị đái tháo đường vẫn có thể kiểm soát được bệnh và hạn chế rủi ro biến chứng bằng việc áp dụng một lối sống lành mạnh, quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ. Bên cạnh đó, việc hiểu biết nguy cơ của bệnh đái tháo đường cũng rất quan trọng, giúp phòng tránh căn bệnh mãn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm này.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top