Mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá

17:08 - Thứ Ba, 12/12/2023 Lượt xem: 5195 In bài viết

Sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 38,9% (năm 2023). Việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và tiết kiệm chi phí điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra.

Sáng 12/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua, công tác PCTH của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, đặc biệt là trong giới trẻ, góp phần bảo đảm thành công bền vững cho công tác PCTH của thuốc lá và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. 

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh, TP năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 38,9% (năm 2023). Việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và tiết kiệm chi phí điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá.

Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền và thực thi Luật PCTH của thuốc lá đã có tác động tích cực đến việc giảm tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong thanh thiếu niên như: Giảm 50% tỷ lệ sử dụng thuốc lá, từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019 trong nhóm tuổi từ 13 đến 17 tuổi; bảo đảm hiệu quả bền vững của hoạt động PCTH thuốc lá tại Việt Nam; tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).

Theo điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 30 tỉnh, TP năm 2022 – 2023, tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi là 97,1%, gây đột quỵ là 80,9%, gây bệnh tim mạch là 77,8%. 

Tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 85,7%.

Trong 10 năm qua, tại 10 bệnh viện được Quỹ PCTH của thuốc lá tiếp tục hỗ trợ Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí, đã có hơn 208.000 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá gồm cả tư vấn qua Tổng đài và tư vấn trực tiếp. Trong số hơn 50.000 bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu cai nghiện thuốc lá, đã có 6.410 người đã cai nghiện thành công trong 3 tháng; 3.060 người cai nghiện thành công trên 1 năm. 

Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 30 tỉnh năm 2022-2023 cho thấy có 90% người hút thuốc đến cơ sở y tế được cán bộ y tế khuyên bỏ thuốc lá.

Theo Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau 10 năm, tỷ lệ hút thuốc lá, đặc biệt trong giới trẻ giảm đáng kể.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, bên cạnh những thành công bước đầu, công tác PCTH thuốc lá vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Hoạt động của Ban chỉ đạo về PCTH của thuốc lá tại nhiều tỉnh, TP và cơ quan đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa phát huy được vai trò của Ban chỉ đạo;

Việc phối hợp liên ngành trong công tác PCTH của thuốc lá tại nhiều tỉnh, TP còn yếu, hoạt động chủ yếu do Quỹ PCTH của thuốc lá và Sở Y tế, CDC đề xuất và tổ chức thực hiện. Vì vậy, chưa phát huy được vai trò và trách nhiệm của các sở, ban ngành khác tham gia vào công tác PCTH của thuốc lá.

Công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTH thuốc lá chưa được thực hiện thường xuyên và quyết liệt tại các cấp.

Tỷ lệ hút thuốc đã giảm nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc. Tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc còn khá phổ biến tại các nhà hàng, quán ba và một số nơi tập trung đông người.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Với các chiêu thức quảng cáo qua các kênh trên mạng xã hội, do đó việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

"Những khó khăn này ảnh hưởng lớn tới các nỗ lực PCTH của thuốc lá và là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỷ lệ hút thuốc gia tăng trở lại, nếu chúng ta không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Vì vậy, để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá, thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp về PCTH thuốc lá.

Đồng thời,đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCTH của thuốc lá.

Bộ Y tế đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm ban hành Nghị quyết cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top