Tiếp tục tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

08:51 - Chủ Nhật, 17/03/2024 Lượt xem: 5039 In bài viết

Để tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện đang chờ thông tư hướng dẫn để triển khai.

Bước tiến mới tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện

Phát biểu tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2024 do Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn kể từ sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, ngành y tế đã từng bước khắc phục được tình trạng trên, đảm bảo công tác khám chữa bệnh.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, một số giám đốc bệnh viện cũng bày tỏ sau khi Nghị quyết 30 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế hết hiệu lực vào ngày 30/12/2023, các bệnh viện giải quyết khó khăn trước mắt như thế nào. Các giải pháp tiếp theo đã có sự chuẩn bị, đó là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1/1/2024. Đặc biệt, Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2 vừa qua về công tác đấu thầu, trong đó có những mục rất cụ thể về mua sắm thuốc, vật tư y tế. Đây là tháo gỡ cần thiết để các bệnh viện thực hiện việc mua sắm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua bệnh viện đã vận dụng Nghị quyết 30, các Nghị định, Thông tư được ban hành để thực hiện mua sắm, đấu thầu, đến nay đã đảm bảo bảo đủ thuốc, hoá chất, vật tư thiết yếu phục vụ khám chữa bệnh. Trong năm 2023, bệnh viện đã mua sắm nhiều vật tư, trang thiết bị, máy móc; bệnh nhân đến từ vùng sâu, vùng xa, miền núi, sáng đến đăng ký khám chữa bệnh, chiều đã có đầy đủ kết quả chụp chiếu và lên xe về quê, thay vì phải chờ đợi vài ngày, thậm chí cả tuần như trước kia. Điều này khiến người bệnh rất hài lòng.  

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Nghị định 24 được xây dựng trên cơ sở Thông tư 14 và tinh thần của Nghị quyết 30, quy định khi đấu thầu mua thuốc, vật tư hoá chất không nhất thiết phải cần 3 báo giá như trước đây. Bên cạnh đó, nghị định cho phép ghi vào hồ sơ thầu mua vật tư, thiết bị y tế công bố xuất xứ hàng hoá thuộc nhóm nước, khu vực và vùng lãnh thổ theo khả năng tài chính và nhu cầu của bệnh viện, đáp ứng cho khám chữa bệnh của người dân. Đây là bước tiến mới thuận lợi cho các bệnh viện thực hiện mua sắm, đấu thầu trong thời gian tới.

Hội nghị là diễn đàn để các bệnh viện chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, quản lý bệnh viện...

TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng chia sẻ, Nghị định 24 giúp bệnh viện giải quyết khá nhiều vấn đề thực tế. Cụ thể, Nghị định nói rõ quy trình đấu thầu gồm bao nhiêu bước, các bước phải làm thế nào, có sẵn biểu mẫu để triển khai đấu thầu… Nhưng trong nghị định cũng ghi rõ, Bộ Y tế cần phải làm thêm một số bước như phân nhóm trang thiết bị, nhóm vật tư và nhóm thuốc, nhóm nào cần đấu thầu tập trung, nhóm nào cho các bệnh viện tự chủ.

Có thể triển khai đấu thầu ngay

Theo ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 24 ban hành, các bệnh viện có thể đấu thầu, mua sắm được ngay. Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Văn Thường cho biết: “Khi chúng tôi họp hội đồng mua sắm, rất lo ngại những thứ mình mua sau này ra văn bản quy định lại thuộc diện đấu thầu tập trung hay thuộc diện được quy định mua sắm tại bệnh viện, chúng tôi còn phải tiếp tục làm. Hiện, chúng tôi cần phân nhóm các mặt hàng, để bệnh viện đấu thầu mặt hàng phù hợp với mình”.

Tại hội nghị, các bệnh viện cũng bày tỏ lo lắng về tính trung thực và chính xác của báo giá trang thiết bị, vật tư y tế mà các doanh nghiệp đưa ra. Bệnh viện lo ngại mua phải giá cao, sau này khi thanh tra sẽ thành thất thoát tài sản.

Về vấn đề này, ông Hoàng Cương cho biết, việc báo giá là quyền của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với việc báo giá. Còn chủ đầu tư là các bệnh viện nếu thấy việc báo giá không đảm bảo tính chính xác thì có thể lấy báo giá được công khai rộng rãi tại Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để đối chiếu. Nếu doanh nghiệp báo giá cao, chủ đầu tư thấy không phù hợp thì chọn doanh nghiệp khác.

Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch Đầu tư đang xây dựng các thông tư hướng dẫn Nghị định 24 để các bệnh viện áp dụng trong mua sắm, đầu thầu. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 24 rút ngắn quy trình đấu thầu hơn so với trước kia, các bệnh viện căn cứ vào để mua sắm. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện, trong khi một số nơi còn thiếu thuốc, vật tư y tế.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, các bệnh viện có thể vận dụng Nghị định 24 vào mua sắm, đấu thầu trong nhu cầu cấp bách được ngay, bởi thủ tục mua sắm cấp bách đã được rút gọn nhiều so với trước.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top