ĐBP - Nắng chiều rọi qua những hàng cây, rặng tre, nhuộm màu ấm áp, tô thêm dáng vẻ thanh bình cho bản làng Noong Nhai, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên). Yên ả là thế, nhưng 70 năm trước, nơi đây tràn ngập đau thương. Người dân bị dồn vào ở trong trại tập trung, nheo nhóc, đói khổ. Rồi từ trên trời, bom đạn của giặc Pháp trút xuống, 444 dân thường, mà chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em bị thảm sát. Đau thương buốt nhói! Nhưng từ những vết hằn chiến tranh, Noong Nhai nói riêng, Thanh Xương nói chung vẫn đi lên, vươn mình và đổi thay.
Bài 1: Có một “Mỹ Lai” giữa Điện Biên Phủ
Bức tượng người phụ nữ Thái bế trên tay đứa con nhỏ đã chết do bom giặc, trong nỗi đau khôn cùng, tại Di tích Trại tập trung Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (hay còn được gọi với cái tên quen thuộc “Hận thù Noong Nhai”), mãi là chứng tích nhắc nhớ mỗi người về tội ác của quân xâm lược. Để các thế hệ đi sau luôn trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc...
Giặc chiếm đóng, dồn dân vào khổ cực
Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Lai Châu (bao gồm Lai Châu và Điện Biên bây giờ) được giải phóng. Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà được sống trong chế độ mới vừa tròn 1 năm, thì ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Khi ấy ông Lò Văn Hặc, bản Noong Nhai 14 tuổi, hoang mang, sợ hãi trước cảnh tượng lạ lùng - mấy chục chiếc máy bay tạo âm thanh ầm ĩ, lũ lượt những kẻ xa lạ nhảy “từ trên trời xuống” tràn vào bản làng.
Ông Hặc kể lại: “Hôm ấy bố mẹ tôi đi làm không ở nhà. Thấy rợp trời là dù với người nhảy xuống, mà không biết chuyện gì xảy ra. Có tiếng hô hoán lính Pháp đấy, lính Pháp đấy, tôi sợ quá mà không biết làm gì. Lúc ấy vội vàng cõng 1 đứa em, tay dắt 1 đứa chạy lên nhà đóng hết cửa lại, trốn trong ấy”.
Ngày ấy, 60 chiếc Dakota lần lượt cất cánh thành từng tốp, bay thành đoàn dài chừng 10km, thả gần 3.000 lính dù xuống lòng chảo Mường Thanh, chiếm đóng Điện Biên Phủ. Chỉ trong vòng 10 ngày, Pháp thả thêm hàng ngàn chiếc dù hàng với đủ loại vũ khí phương tiện, cung cấp cho chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng còn ngang nhiên dỡ nhà, cướp bóc, giết người. Nhiều bà con bản địa hoảng sợ chạy lánh sang Lào, một số chạy vào vùng giải phóng của ta, còn phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già bị quân Pháp dồn vào 4 trại tập trung, đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các đồn binh. Bao gồm: Trại tập trung Noong Bua, trại Pa Luống, trại Co Mỵ và trại Noong Nhai.
Trại tập trung Noong Nhai gồm dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống do đồn Hồng Cúm phụ trách. Trại kéo dài từ bản Pom La đến bản Noong Nhai xã Thanh Xương, huyện Điện Biên ngày nay. Toàn bộ trại nằm trong phạm vi chưa đầy 10ha và có tới trên 3.000 dân. Chỗ ở của dân là những lán trại bằng tre nứa, lợp rơm rạ, không gian chật hẹp và mất vệ sinh.
Bởi vậy mà người dân khổ cực, thiếu cái ăn, cái mặc, thuốc thang. Tại đây người dân không chỉ thiếu thốn, bị cách ly với bộ đội Việt Minh, trở thành bia đỡ đạn cho lính Pháp, mà còn phải lao động khổ cực. Đàn ông, thanh thiếu niên bị Pháp bắt đi dỡ nhà, chặt cây, xây dựng hầm hào, đồn bốt. Phụ nữ bị ép phục vụ, làm trò tiêu khiển cho lính Pháp. Cảnh sống lầm than, li tán, bất lực. Nhưng đau thương đỉnh điểm là chiều ngày 25/4/1954, hàng trăm người dân tại Trại tập trung Noong Nhai bị Pháp ném bom tàn sát, mẹ mất con, cháu mất bà... có những nhà không còn ai sống sót...
Buổi chiều đau thương
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ 2 của quân ta, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp rơi vào thế bị bao vây, nguy cơ bị tiêu diệt đã gần kề. Trong cơn tuyệt vọng, những kẻ xâm lược càng trở nên vô nhân tính.
Đầu giờ chiều ngày 25/4/1954, người dân trong Trại tập trung Noong Nhai đang có mặt để cùng tiễn đưa 1 người thân xấu số. 4 máy bay Pháp từ hướng Nam bay tới, bất ngờ nhằm thẳng đám đông dội bom sát thương và bom Napan xuống.
“Nghe tràng tiếng ầm ầm, rồi khói mù mịt, không thấy xung quanh. Đến lúc nhìn rõ thì phía ấy bao nhiêu người chết, người cháy, người quằn quại trong vết thương. Lúc ấy những người còn sống sợ hãi co ro, người thì chạy nhốn nháo tìm người thân. May mắn gia đình tôi có em trai lúc ấy đang đi tắm ở sông Nậm Rốm gần đó chỉ bị thương ở chân và người bác bị thương ở vai” - ông Lò Văn Hặc kể lại.
Trong cuốn Di tích lịch sử và văn hóa Điện Biên Phủ của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, xuất bản năm 2014, cũng có trích dẫn ký ức của ông Lò Văn Puốn - cố Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu (nay là Điện Biên), người may mắn thoát chết trong trận ném bom hôm ấy. Ông kể rằng: “Lúc ấy nghe thấy từng tràng tiếng nổ đinh tai nhức óc. Chúng tôi chạy đến, thấy chị Lò Thị Panh người đầy vết thương, máu chảy ướt đẫm quần áo đang quằn quại giữa hố bom. Xung quanh lửa cháy ngùn ngụt, khói bom đen kịt trùm lên khắp Trại tập trung. Những người sống sót chạy hỗn loạn. Xác chết nằm ngổn ngang, nhiều người bị bom Napan cháy sém không còn nhận ra hình dạng. Mãi đến tối đêm, mọi người mới dám lần ra thu dọn, chôn người chết...”
Theo thống kê, cuộc tàn sát của máy bay Pháp đã giết chết 444 người, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Nhiều gia đình không còn một ai sống sót, hàng trăm người bị thương, nhiều người tàn phế suốt đời. Hành động phi nhân tính ấy làm lòng căm thù giặc của quân và dân ta càng thêm dâng cao, tiếp sức mạnh, quyết tâm đánh đuổi thực dân bằng chiến thắng vang dội vào chiều 7/5/1954, chưa đầy 2 tuần sau đó.
Bởi những mất mát ấy, khi nhà lưu niệm trưng bày chứng tích về cuộc thảm sát được xây dựng, người dân đã gọi với cái tên dân dã “Hận thù Noong Nhai”. Công trình được khánh thành năm 1964 thì đến năm 1965 lại bị máy bay Mĩ ném bom phá hủy. Đến năm 1984, khu tưởng niệm mới được xây dựng lại ngay tại khu vực bản Noong Nhai, xã Thanh Xương.
Tròn 70 năm đi qua, vết thương chiến tranh ở Noong Nhai vẫn còn buốt nhói nhưng người dân dặn lòng gác đau thương, tập trung ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Những bản làng của xã Thanh Xương ngày càng trù phú, nhà cửa kiên cố mọc lên, cuộc sống mới của người dân ấm no trở lại, hình thành đô thị mới trên mảnh đất lịch sử.