Bài 2: Gác đau thương, “ươm hoa” đón ngày mới
ĐBP - Noong Nhai trong tiếng đồng bào bản địa nghĩa là “ao lở”. Ao lở có thể đắp lại, mất mát, tang tóc đã xảy ra tại Trại tập trung Noong Nhai thì không gì có thể lấp đầy. Nhưng không thể sống mãi trong ký ức, người dân nơi đây gác đau thương, ấp ươm những “bông thơm”, “trái ngọt”, dựng xây cuộc sống mới, đưa mảnh đất năm xưa trở thành làng quê đáng sống...
Noong Nhai hôm nay
Sau những ngày u ám, bản Noong Nhai cũ, nơi xảy ra cuộc thảm sát được chuyển gần ra ngoài đường giao thông, là vị trí bản Noong Nhai 1 bây giờ. Người dân với sự giúp đỡ của bộ đội ta dựng lại nhà cửa, bắt tay vào cải tạo ruộng nương, trồng trọt, chăn nuôi. Trẻ em và thanh thiếu niên lần đầu ra lớp học con chữ. Cuộc sống hồi sinh, vết thương chiến tranh dần se lại.
Đến năm 1978, hầu hết các hộ dân, đặc biệt là những người lớn tuổi trong bản nghe theo chủ trương di giãn dân của Nhà nước, chuyển vào vùng đất bằng phẳng phía trong, cách hơn 1km, lập nên bản mới Noong Nhai 2. Qua nhiều năm nỗ lực, cố gắng, Noong Nhai 1 và Noong Nhai 2 giờ đây đều có cuộc sống ấm no, đủ đầy, không còn hộ nghèo. Từ 12 gia đình ban đầu, đến nay 2 bản đã có tổng trên 200 hộ.
Chiều tháng 3, chúng tôi dạo quanh Noong Nhai 2. Bản làng thanh bình, không gian thoáng đãng, trong lành với những hàng cây xanh cao, vườn rau, ao cá rộng mướt tầm mắt. Xen kẽ những ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Thái vững chãi, bề thế là những ngôi nhà kiểu mới, hiện đại được xây dựng khang trang, đẹp mắt. Đường bê tông trải mịn vào tới từng cổng.
Ông Quàng Văn Ơn, Bí thư Chi bộ bản Noong Nhai 2 cho biết: “Bản hiện có 101 hộ, 100% đồng bào dân tộc Thái. Từ năm 2022 là không còn hộ nghèo, cận nghèo. Nhà ở đều kiên cố. Chúng tôi đang đề nghị cấp trên xem xét công nhận Noong Nhai 2 là bản nông thôn mới kiểu mẫu”.
Ông Ơn tự hào chia sẻ thêm, bà con trong bản vẫn làm kinh tế chính từ nông nghiệp, nhưng từ lâu đã chú trọng việc học hành nên nhiều con cháu là công chức, viên chức, giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hiện Chi bộ bản có 26 đảng viên và còn có 25 đảng viên sinh hoạt nơi cư trú.
Là người may mắn sống sót sau trận ném bom của giặc Pháp, chứng kiến Noong Nhai chuyển mình, ông Lò Văn Hặc, hiện sống tại bản Noong Nhai 2, vui mừng chia sẻ: “Bản làng thay đổi nhiều quá. Trước đây không tưởng tưởng được sẽ phát triển như ngày hôm nay. Nhà nào cũng đẹp, khang trang, đường bê tông đến tận ngõ, chạm cửa từng gia đình. Trước thiếu cái ăn, cái mặc, ăn độn ngô, sắn, giờ đủ đầy, ăn ngon mặc đẹp, trông ai cũng đẹp hơn. Nhân dân phấn khởi, vui tươi, vừa tập trung làm ăn vừa thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Mới đây, ngày 8/3, phụ nữ bản, các con các cháu cũng rủ nhau múa hát, đi chơi, tham quan tận Pha Đin, về kể vui lắm...”
Thanh Xương vươn mình phát triển
Trại tập trung Noong Nhai năm xưa kéo dài từ bản Bom La đến bản Noong Nhai, phạm vi gần 10ha. Khu vực này giờ đây là trung tâm xã đông vui, tấp nập. Quốc lộ 279 huyết mạch chạy qua, một bên là cánh đồng Mường Thanh màu xanh ngút ngàn, một bên là khu đô thị mới, khu dân cư ngày một sầm uất. Người dân kinh doanh, buôn bán 2 bên nhộn nhịp.
Từ 5 - 6 bản đồng bào dân tộc bản địa, mỗi bản chỉ có vài hộ đến hơn chục hộ dân, giờ đây Thanh Xương trải rộng gần 1.900ha, với 26 thôn, bản, hơn 2.000 hộ dân. Thanh Xương trở thành làng quê đáng sống, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 và đang trên đường về đích nông thôn mới nâng cao với 17/19 tiêu chí đạt, 2/19 tiêu chí cơ bản đạt.
Dẫn chúng tôi đi tham quan bản làng, ông Quàng Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thanh Xương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân, đặc biệt đối với hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó hộ nghèo giảm từng năm, đời sống nhân dân thay đổi tích cực. Hiện toàn xã chỉ còn 18 hộ nghèo đa chiều (trong đó 7 hộ bảo trợ xã hội), tỷ lệ 0,8%. Tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 99,9%. Thu nhập bình quân năm 2023 là 51,5 triệu đồng/người. Tổng chiều dài đường ngõ xóm trên địa bàn xã là 32,27km, đã cứng hóa 100%; trong đó, 28,4km đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Đường nội đồng cũng đã được bê tông hóa 21/21km, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa của nhân dân...”
Để có được ngày hôm nay, cùng với sự trợ lực từ Đảng, Nhà nước, là sự đoàn kết, cần cù, tự lực đi lên của nhân dân Thanh Xương. Bà con đồng lòng cơ cấu lại sản xuất, cùng nhau làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Gia đình ông Lò Văn Bun, đội 6 là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã. Ông cùng bà con tích cực tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tế sản xuất với các mô hình lúa cấy, trồng khoai tây, chăn nuôi. Đặc biệt hiện ông đang triển khai nuôi dê liên kết với doanh nghiệp từ Vĩnh Phúc. Ông đầu tư 50 con dê cái, 3 dê đực giống boer. Mỗi con đều được gắn mã số, truy xuất nguồn gốc, đến khi đạt tiêu chuẩn sẽ được xuất bán trở lại cho doanh nghiệp.
Ông Bun cho biết: “Tôi bắt đầu nuôi dê từ 3 năm trước, tuy nhiên thấy giống dê cỏ chậm lớn và không năng suất nên tôi đã tìm hiểu, mạnh dạn đầu tư giống dê boer. Doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Dê đang sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây, tăng đàn nhanh, sẽ sớm khẳng định được giá trị kinh tế”.
Mỗi người dân đều chủ động, tự lực như ông Bun, Thanh Xương sẽ càng đi nhanh hơn trên con đường phát triển, đạt các mục tiêu đã đề ra.
Đổi thay mọi mặt nhưng không quên quá khứ. Khu tưởng niệm Trại tập trung Noong Nhai vẫn sừng sững với năm tháng. Cán bộ, nhân dân, học sinh xã nhà thường xuyên chăm chút, thắp hương, quét dọn cho khuôn viên sạch đẹp. Nơi đây cũng đón không ít khách tới tham quan, tưởng nhớ. Từ nỗi đau đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Xương càng trân trọng hòa bình, độc lập, cùng nỗ lực không ngừng để xây dựng bản làng ngày thêm ấm no... “Thanh Xương tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đồng thời phấn đấu (theo định hướng quy hoạch) đến năm 2025 lên thị trấn, trở thành đô thị loại V” - ông Quàng Văn Yên, Phó Chủ tịch xã thông tin thêm.