ĐBP - Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh nhà vẫn có những gam màu tươi sáng. Góp phần tô điểm cho bức tranh ấy có thành tích không nhỏ của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN). Bằng việc đẩy mạnh công tác tham mưu, tổ chức đánh giá nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng các đề tài, dự án vào sản xuất và đời sống dần đưa KH&CN là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
KH&CN được xem là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khi việc nghiên cứu, ứng dụng được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực đời sống. Trong năm 2021, Sở KH&CN triển khai thực hiện 37 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong đó, 13 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp quốc gia; 24 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được quản lý thực hiện đảm bảo theo các quy định hướng dẫn của Bộ KH&CN và các quy định của tỉnh. Cũng trong năm 2021, Sở KH&CN đã kịp thời tham mưu và tổ chức hội nghị chuyển giao 8 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho 10 sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, trong đó: 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y tế, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn và 4 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Những chính sách này đã tạo tiền đề quan trọng cho các ngành, đơn vị, địa phương chủ động tiếp cận và thực hiện hiệu quả việc ứng dụng KH&CN vào các lĩnh vực.
Các nhiệm vụ triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực. Đối với lĩnh vực xã hội nhân văn, các nhiệm vụ tập trung vào nghiên cứu, bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên phục vụ phát triển du lịch, góp phần cung cấp các cơ sở lý luận, thực tiễn trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.
Thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng các sáng kiến, giải pháp phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, KH&CN đã trở thành đòn bẩy cho sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Đơn cử như đề tài nghiên cứu đề xuất mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp nhằm tăng thu nhập của cư dân nông thôn và bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên. Với mục tiêu biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đề tài tập trung nghiên cứu tổng quan, hệ thống hóa cơ sở lý luận về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, cụ thể hóa các bước phát triển du lịch; phân tích các tiêu chí đánh giá mô hình du lịch bền vững; nghiên cứu cơ sở thực tiễn thuận lợi và khó khăn của địa phương Điện Biên. Trong thực tiễn, đề tài đánh giá cụ thể hiện trạng, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp tại 2 bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) và bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ). Từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm đối với du lịch Điện Biên, đề xuất các giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch bền vững, lựa chọn thị trường mục tiêu, thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tiến hành quảng bá xúc tiến du lịch có trọng tâm, tăng cường liên kết trong phát triển du lịch, phát triển nguồn lực, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá và kiến nghị đối với hệ thống quản lý Nhà nước các cấp để xây dựng và quản lý tốt mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp tỉnh Điện Biên.
Còn ở lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2021 triển khai dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ương cá giống và nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao trên địa bàn tỉnh. Là dự án cấp quốc gia nên khi triển khai giúp cho đơn vị tiếp nhận và làm chủ được 2 quy trình công nghệ: Ương cá giống và nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao. Cụ thể, dự án đã xây dựng mô hình ương cá giống, quy mô 1,2ha. Sau 8 tháng nuôi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, thu được 5,43 tấn cá giống cỡ trung bình đạt 330g/con. Giá bán cá giống trắm đen tại tỉnh dao động khoảng 60 nghìn đồng/con. Trừ các chi phí đầu tư thu được lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/ha trong 8 tháng nuôi. Cùng với đó, dự án xây dựng mô hình 2ha nuôi cá trắm đen thương phẩm. Sau 17 tháng nuôi, thu được trên 14 tấn/ha cá trắm đen thương phẩm có trọng lượng trung bình đạt 3,46kg/con. Giá bán trung bình tại thị trường Điện Biên hiện nay dao động từ 120 - 140 nghìn đồng/kg, trừ đi các chi phí đầu tư cho thấy lợi nhuận đạt được trên 600 triệu đồng/ha trong 17 tháng nuôi. Với hiệu quả kinh tế cao như vậy, nếu được áp dụng rộng rãi có thể góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Trong thời gian tới, ngành KH&CN tiếp tục tái cơ cấu các chương trình, đề tài, dự án KH&CN theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Đồng thời, tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đối với các vùng trọng điểm của tỉnh; tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia và chương trình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Ứng dụng KH&CN trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu; thúc đẩy nhanh việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của địa phương...